VN đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng một số vật liệu "sạch" góp phần giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Nano TiO2 làm sạch không khí, túi vải thay thế túi nilon, gạch "sạch" làm từ bê tông ép thủy lực hoặc đá xít thải...


Cuộc sống hiện đại hơn nhưng cùng với đó xã hội lại phải đối mặt với ngày càng nhiều những chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vì thế, ngoài những giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, việc chủ động sử dụng các vật liệu “sạch” trong đời sống là điều mà nước ta đang rất quan tâm.


Chưa có nhiều và chưa sử dụng được rộng rãi các loại vật liệu sạch như nhiều nước trên thế giới, nhưng Việt Nam cũng đã từng bước tìm hiểu và có những ứng dụng thành công trong lĩnh vực này.


Sử dụng Nano TiO2 làm sạch không khí

 

 Gạch tẩm phủ sơn TiO2 dùng trong diệt khuẩn, nấm, mốc


Vật liệu Nano TiO2 là chất bột mầu trắng, rất bền, không độc, rẻ tiền, được sử dụng hàng trăm năm nay trong vật liệu xây dựng, làm chất độn màu cho sơn hay dùng trong công nghệ hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm... Thế nhưng gần đây, TiO2 mới được tập trung nghiên cứu như một trong những giải pháp có triển vọng nhất để làm giảm thiểu các chất thải độc hại phân tán trong môi trường.


Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ứng dụng thành công vật liệu này trên một số sản phẩm như gạch bông thạch anh, thiết bị làm sạch không khí, sơn diệt khuẩn..., vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa làm sạch môi trường.


So với phương pháp lọc bằng chất hấp phụ truyền thống, giải pháp với TiO2 được đánh giá là ưu điểm hơn nhiều. Khi được chiếu sáng, nano TiO2 trở thành một chất oxy hoá khử rất mạnh, giúp phân hủy các chất độc độc hại bền vững trong không khí và diệt trừ một số loại virus, vi khuẩn gây bệnh.


Đặc biệt, nó có thể phân hủy những khí độc hại đạt mức vô cơ hóa hoàn toàn với chi phí đầu tư và vận hành thấp. Quá trình ô xy hóa lại thực hiện được cả trong điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường...


Được biết, khả năng quang xúc tác mạnh của nano TiO2 còn đang được nghiên cứu ứng dụng trong pin nhiên liệu và xử lý CO2 gây hiệu ứng nhà kính.


Túi an toàn từ vải cotton thay thế túi nilon


Túi nilon đang được sử dụng như một công cụ không thể thiếu được sinh hoạt hàng ngày, nhất là chị em phụ nữ hàng ngày phải lo việc nội trợ. Thế nhưng tác hại to lớn của loại túi này với sức khỏe con người và môi trường thì không phải ai cũng rõ.
 

 

 
 Túi vải làm từ cotton được bày bán tại các siêu thị

Để tuyên truyền về việc loại bỏ túi nilon ra khỏi đời sống, Việt Nam cũng đã tổ chức ngày không túi nilon đầu tiên tại Hội An (ngày 9/9/2009), chương trình “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” (ngày 30/1/2010) và ngày không túi nilon lần thứ 2 (8/8/2010) tại Hà Nội … nhằm “tuyên chiến” với túi nilon. Tham dự những ngày này, ngoài việc cùng nhau thải loại túi nilon, được biết đã có hàng chục nghìn túi thân thiện với môi trường được phát miễn phí cho người dân dùng làm giỏ đi chợ thay vì dùng túi nilon như trước đây.


Loại túi thân thiện với môi trường nói trên có thể là túi giấy hoặc túi vải. Túi vải được làm từ chất liệu vải cotton không hại môi trường có hai kích thước khác nhau, loại nhỏ (kích thước 35 x 50 cm) dùng để đi chợ buổi sáng và loại to kích thước 40 x 60 cm dùng để đi siêu thị. Loại túi này có thể giặt sạch, gấp nhỏ lại khi không dùng tới và có thể sử dụng lâu dài.


Gạch sạch cho những công trình sạch


Ô nhiễm môi trường từ các công trình xây dựng, vật liệu xây dựng là điều mà ai cung phải thừa nhận và nó vẫn đang diễn ra thường ngày ở Việt Nam. Để hạn chế điều này cũng đã có nhiều nghiên cứu để đưa ra những vật liệu sạch ứng dụng vào thực tế, tiêu biểu là các loại gạch sạch đang được rất nhiều người quan tâm.


Thứ nhất có thể kể đến những viên gạch bê tông ép thủy lực theo công nghệ mới do ông Nguyễn Đình Bình, giám đốc Công ty TNHH Bình Định (Bắc Giang) đầu tư để sản xuất. Ông Bình cho biết, loại gạch này khi ra lò luôn phẳng, nhẵn, đỡ vữa trát, lại có tác dụng chống ồn. Vật liệu làm gạch rất sạch, như đá, xi măng, cát chứ không như gạch làm bằng đất phải nung gây khói và ô nhiễm môi trường.

 

 Công nhân lắp ráp dây chuyền
sản xuất gạch thân thiện môi trường


Thứ 2 là loại gạch không nung được sản xuất từ đá mạt, tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao, xi măng... có độ nhẹ, bền và dẻo hơn nhiều so với gạch nung truyền thống. Theo ông Đinh Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty CP phát triển công nghệ mới gạch không nung HĐ Hòa Bình, chất liệu gạch không nung có ưu điểm là nguyên liệu sẵn có, giá thành hạ và chất lượng đảm bảo.


Hay như loại gạch sản xuất từ đá xít thải của các nhà máy tuyển than thay thế cho nguồn đất sét vì hai loại vật liệu này có thành phần hoá học cũng như khoáng vật gần giống nhau. Tại Việt Nam, Viện KHCN mỏ đã sản xuất thử và đưa vào sử dụng trong xây dựng hơn 23.000 viên gạch từ nguồn đá xít thải của các nhà máy tuyển than Cửa Ông và Hòn Gai.


Theo đánh giá, chất lượng gạch từ xít thải về chỉ tiêu chịu nén, chịu uốn là tương đương so với gạch từ đất sét. Hơn nữa, việc sử dụng nguyên liệu từ đá xít thải đã giảm được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tận dụng được tài nguyên cũng như cung cấp việc làm cho nhiều lao động.


• K.A