Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022 cho thấy 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% khẳng định sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Tính đến nay, gần 76% người tiêu dùng đang sử dụng ít nhất một dịch vụ ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu năm 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 70% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng 48%, qua điện thoại di động tăng 97%; qua QR code tăng tương ứng 56,5% và 111,62%. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý I, thanh toán qua kênh di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đang xử lý khoảng 2,8 triệu giao dịch không dùng tiền mặt mỗi ngày với giá trị gần 21.000 tỷ đồng.

Các phương thức thanh toán hiện đại đã len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, từ bà bán rau ngoài chợ, chị bán café đầu ngõ, từ cây xăng đến trường học, bệnh viện… Thay vì lúc nào cũng khư khư ôm mớ tiền sợ cướp hay bị động khi không tìm thấy cây ATM, nhiều người giờ rất tự tin với phong cách sống không tiền mặt. 

Các phương thức thanh toán hiện đại đang ngày càng phổ biến và được người tiêu dùng hưởng ứng. Ảnh: Linh Đan

Nhiều công ty fintech (công nghệ tài chính) và ngân hàng đã đưa ra các chính sách ưu đãi như giảm giá sản phẩm, giảm giá cước sử dụng dịch vụ vận tải… khi thanh toán qua thẻ hay ví điện tử. Mặt khác, thanh toán phi tiền mặt thông qua ứng dụng cũng là cách đảm bảo quá trình giao dịch an toàn hơn, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực dễ dàng và linh hoạt. Trên thực tế, việc rút tiền theo cách truyền thống tại các cây ATM rất dễ có nguy cơ cho tội phạm thẻ sao chép mật khẩu, số tài khoản hay bị cướp tài sản.

Trên thực tế khi ứng dụng thanh toán trực tuyến lên ngôi, thay thế phương thức thanh toán truyền thống buộc các ngân hàng phải thay đổi. Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nổi bật như mở tài khoản trên ứng dụng, giao dịch bằng sinh trắc học mà không cần giấy tờ hay thẻ ngân hàng… Lượng khách hàng của TPBank tăng từ 3 triệu người năm 2019 lên 5 triệu người năm 2021, trong đó 50% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh điện tử.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, quy mô giao dịch qua các nền tảng số của Vietcombank trong quý I/2022 tăng trưởng 62,5% về số lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng khoảng 1,5 triệu giao dịch trực tuyến/ngày. Phương thức thanh toán bằng mã QR tăng hơn 2 lần. Đối với giao dịch thẻ nội địa, doanh số rút tiền mặt giảm đồng thời doanh số thanh toán thẻ tăng 25%, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến đạt 36%...

Thống kê cho thấy, Việt Nam mới có khoảng 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu người. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng chỉ đạt xấp xỉ 220.000 tỷ đồng nên tiềm năng còn rất lớn. Vì vậy, quy trình phát hành thẻ tín dụng đang được các ngân hàng thay đổi theo hướng số hóa và cấp hạn mức trước cho khách hàng sử dụng thường xuyên các dịch vụ. 

Sự quan tâm định hướng của Chính phủ và hưởng ứng của cộng đồng người tiêu dùng, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và phổ biến của thiết bị di động thông minh đã tạo nền tảng cho việc phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt 20-25%/năm; đến cuối năm 2025, 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần; tổng sản phẩm nội địa (GDP), thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%...

Muốn đạt được những mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai nhiều giải pháp như: hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách liên quan; nâng cấp hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn và hiệu quả; khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với tổ chức công nghệ tài chính; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa…