Cần triển khai chuyển đổi số dựa trên mục tiêu

Hồi tháng 6 năm nay, Giám đốc Sở TT&TT Gia Lai đã bị đề nghị kiểm điểm, thu hồi 2,3 tỷ đồng do sai phạm trong đầu tư các dự án phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử. Liên quan đến vấn đề đầu tư ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hàng loạt cán bộ của các Sở, ngành khác tại Gia Lai cũng bị kiểm điểm vì để xảy ra thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo ghi nhận của ICTnews, vụ việc nêu trên tại Gia Lai ít nhiều cũng gây ra lo ngại cho một số địa phương khi triển khai đầu tư cho chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, làm sao để lựa chọn các dự án đầu tư mang lại hiệu quả thực tế và việc tính toán hiệu quả thế nào đang là nỗi trăn trở của nhiều đơn vị.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề “Các địa phương nên lựa chọn đầu tư như thế nào cho hiệu quả?”, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số nhận định, chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp trên tất cả lĩnh vực. Có thể nói rằng ở bất cứ lĩnh vực nào, địa phương nào cũng có thể triển khai hoạt động chuyển đổi số. Điều này cũng đưa đến nguy cơ các hoạt động mang tính phong trào có thể xuất hiện.

{keywords}
Theo chuyên gia, trong 3 trụ cột của chuyển đổi số, chính quyền số sẽ được ưu tiên nhưng phải trên mục tiêu là kiến tạo cho xã hội số, kinh tế số. (Ảnh minh họa)

Vị chuyên gia nhận định, vấn đề quan trọng là các đơn vị, địa phương cần xác định rõ ràng ngay từ mục tiêu chuyển đổi số, tức là triển khai nội dung chuyển đổi số để đảm bảo chỉ tiêu hay dựa trên mục tiêu.

Bởi lẽ, nếu chuyển đổi số chỉ để đảm bảo các chỉ tiêu thì bài toán hệ thống sẽ khó tồn tại, bất cập từ giai đoạn trước vẫn còn đó. Còn nếu chuyển đổi số dựa trên mục tiêu thì điều quan trọng nhất trước khi lựa chọn công nghệ là đánh giá tính sẵn sàng từ quan điểm cấp đứng đầu, từ thực trạng và đối tượng sẽ thụ hưởng, bị tác động để tìm cách giải quyết tính chưa sẵn sàng trước, sau đó mới nghĩ đến công nghệ.

“Việc ưu tiên phân tích hiện trạng, tính sẵn sàng một cách nghiêm túc trên một mục tiêu cụ thể sẽ giúp hình thành nên một hệ thống và từ đó giúp địa phương nhận diện được cái gì cần làm trước, làm sau”, vị này nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia nói trên, trong 3 lĩnh vực của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, chính quyền số sẽ được ưu tiên nhưng phải trên mục tiêu là kiến tạo cho xã hội số và kinh tế số. Còn kinh tế số và xã hội số phải xác định nguồn lực xã hội và vận hành theo cơ chế thị trường thì mới bền vững.

Hoạt động đầu tư cần tập trung vào các chính sách và hoạt động khuyến khích thúc đẩy. Về công nghệ, cần tiếp cận một cách sâu sắc và kiên trì về khái niệm nền tảng; căn cứ vào thực tiễn địa phương để lựa chọn và vận dụng các loại hình, nguồn lực theo hướng cởi mở, tránh tình trạng cát cứ, độc quyền.

Xác định hiệu quả dự án đầu tư cho chuyển đổi số thế nào?

Nói thêm về việc làm sao xác định hiệu quả khi đầu tư các dự án CNTT, chuyển đổi số, vị chuyên gia công nghệ cho rằng: “Hiệu quả chuyển đổi số có thể xác định dựa vào việc đối tượng thụ hưởng dự án đó có biết và dùng được không, họ có đánh giá, nhận xét hay không? Và thậm chí những ý kiến trái chiều càng nhiều thì đó cũng được xem là hiệu quả nếu đứng trên phương diện dự án, hoạt động chuyển đổi số đã thu hút người sử dụng. Đương nhiên, cơ quan triển khai cần cầu thị và tiếp thu”.

Về vấn đề lựa chọn phương thức đầu tư hay thuê dịch vụ, theo khuyến nghị của chuyên gia, các địa phương cần căn cứ từ thực tiễn và nguồn lực đáp ứng (gồm cả tài lực và nhân lực) để quyết định. Xét trên mặt bằng chung hiện nay, phương án thuê dịch vụ có nhiều điểm tối ưu hơn. Tuy nhiên, khi chọn thuê dịch vụ, các đơn vị, địa phương phải hiểu rõ nhu cầu, thực trạng nếu không vẫn có thể dẫn đến lãng phí.

Hiệu quả đầu tư cho chuyển đổi số là một nội dung được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm. Một trong 22 nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số mà Bộ TT&TT đã đề nghị các bộ, tỉnh tập trung chính là phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả khi ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số.

Bộ TT&TT lưu ý, phải xác định rõ hiệu quả đầu tư và hiệu quả đầu tư cần đo lường, định lượng được. Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, tùy theo quy mô và tính chất của dự án, các đơn vị có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá với mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hay kết hợp) hoặc phân tích chi phí - lợi ích, đồng thời xác định được khả năng tiết kiệm được nhờ đầu tư, trước khi quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả việc đầu tư/thuê dịch vụ CNTT, chuyển đổi số làm cơ sở để triển khai cho những năm tiếp theo. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ công bố khung tiêu chí làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương tham khảo.

Ngoài ra, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đơn vị chuyên trách CNTT tại các bộ, ngành, địa phương vào khâu kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư CNTT, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các mô hình như: tổ, ban giám sát đầu tư.

Bộ TT&TT đang xây dựng phần mềm Cổng thông tin dự án đầu tư ứng dụng CNTT, cho phép xem thông tin về đầu tư CNTT của cả nước; từng bộ, từng tỉnh có bao nhiêu dự án CNTT, số vốn chi cho từng dự án; danh mục dự án đầu tư ứng dụng CNTT của từng bộ, tỉnh; cũng như xem chi tiết một dự án đầu tư ứng dụng CNTT. Hệ thống sẽ góp phần bảo đảm việc đầu tư và sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách được sử dụng đúng nội dung, đúng mục tiêu, nguồn kinh phí, tiết kiệm và hiệu quả.

Vân Anh

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, trong bối cảnh Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển đô thị thông minh chính là chuyển đổi số trong đô thị đó. Thành phố thông minh không thể tách rời quá trình chuyển đổi số địa phương.