Theo số liệu thống kê từ nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha, tính tới tháng 8/2022, có tới 3.470 công ty, gồm cả các tổ chức sử dụng tên tiếng Trung để đăng ký kinh doanh và thương hiệu lĩnh vực bán dẫn, đã xin dừng hoạt động. Con số này cao hơn số lượng công ty phải giải thể trong cả năm 2021 (3.420) và 2020 (1397).

(Ảnh: SCMP)

“Ngành công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực sử dụng nhiều vốn”, Zheng Lei, giáo sư trợ giảng tại Viện tài chính Thẩm Quyến thuộc Đại học Hồng Kông cho biết. Ông chỉ ra rằng một số công ty chip mới đăng ký có thể đã gặp khó khăn trước sự cạnh tranh gay gắt và môi trường kinh doanh khắc nghiệt.

Làn sóng đóng cửa này xảy ra sau khi cả khu vực công và tư của Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn trong suốt 2 năm vừa qua nhằm thực hiện mục tiêu tự chủ chip của Bắc Kinh. Đến năm 2021, Trung Quốc có khoảng 47.400 doanh nghiệp liên quan tới bán dẫn, tăng từ 23.100 công ty vào năm 2020.

Zhong Lin, nhà sáng lập công ty thiết kế chip GSR Electronics ở Phúc Kiến, nhận định “làn sóng khởi nghiệp lĩnh vực vi xử lý Trung Quốc đã kết thúc” và nhiều công ty sẽ rơi vào tình trạng phá sản khi nguồn vốn của nhà đầu tư cạn kiệt do thiếu triển vọng về lợi nhuận.

Tăng trưởng kinh tế của quốc gia tỷ dân chững lại, tâm lý người tiêu dùng suy yếu do các đợt dịch bệnh và giãn cách Covid-19, cũng như tình hình căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington là các yếu tố tác động tiêu cực đến lĩnh vực bán dẫn.

Việc Thượng Hải, trung tâm tài chính và tổ hợp sản xuất công nghệ cao đa quốc gia và nội địa, liên tục bị phong toả khiến nhiều công ty bán dẫn cảm thấy "nản lòng". Ngay cả khi được phép hoạt động, các nhà máy tại đây cũng chỉ có thể duy trì công suất rất thấp do chuỗi cung ứng đứt gãy và hậu cần gián đoạn.

Yu Xiekang, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cho biết, đợt giãn cách kéo dài 2 tháng (kết thúc vào tháng 8) đã khiến nhu cầu thiết bị điện tử tiêu dùng lao dốc, kìm hãm sự tăng trưởng của công nghiệp bán dẫn nước này .

Dữ liệu hải quan chính thức của Trung Quốc cũng cho thấy khối lượng nhập khẩu bảng mạch của nước này đã giảm 12% trong 8 tháng qua do nhu cầu suy yếu và sản xuất bị gián đoạn.

Thế Vinh (Theo SCMP)