{keywords}
 

Những cuộc biểu tình trực tuyến kêu gọi tẩy chay công nghệ Trung Quốc đã xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội Ấn Độ sau khi quân đội nước này xác nhận 20 binh lính tử vong trong vụ đụng độ với quân đội Trung Quốc tại biên giới mới đây.

Theo Lin Minwang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Fudan, Trung Quốc, phòng trào “bài Trung” mạnh mẽ hiện nay chắc chắn là báo động đỏ đối với các công ty Trung Quốc.

Trên TikTok, video kèm hashtag #BoycottChineseProducts (tẩy chay sản phẩm Trung Quốc), #IndiaChinaborder (biên giới Trung Ấn), #Chinaborder (biên giới Trung Quốc) tăng đột biến, mang về lần lượt 7,3 triệu lượt xem, 10,5 lượt xem và 11,5 triệu lượt xem. Bản thân TikTok cũng là mục tiêu của phong trào tẩy chay.

Theo báo chí Ấn Độ, khoảng 52 ứng dụng di động liên quan tới Trung Quốc đã bị tình báo trong nước báo cáo. Một bài báo trên Hindustan Times dẫn lời quan chức nhà nước cho biết các cơ quan đề nghị cấm hoặc phát cảnh báo chống lại việc sử dụng các ứng dụng này vì lo ngại xâm phạm dữ liệu người dân Ấn Độ. Chúng bao gồm TikTok, Bigo Live, Zoom, Weibo, Kwai, WeChat hay phần mềm của Xiaomi, Baidu, Alibaba. Thậm chí, Zoom đã phải ra thông báo khẳng định họ là công ty Mỹ.

Với các nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc, lệnh cấm hay hạn chế sẽ là điều vô cùng tồi tệ. Các hãng smartphone Trung Quốc lớn cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực. Theo ông Lin, những thương hiệu mang “cá tính Trung Quốc đậm đặc” sẽ gặp thách thức nhất tại thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới.

Oppo tuần trước phải hủy livestream ra mắt flagship 5G tại Ấn Độ. Theo Reuters, quyết định được đưa ra để tránh phản đối trên mạng xã hội. Oppo đang là hãng smartphone lớn thứ 5 tại đây.

Lời kêu gọi tẩy chay tại Ấn Độ xuất hiện đúng vào thời điểm nhạy cảm với các công ty công nghệ Trung Quốc khi Bắc Kinh đang trong cuộc chiến thương mại và công nghệ phức tạp với Washington. Căng thẳng với Mỹ đã dẫn đến những lệnh cấm nhằm vào hàng loạt doanh nghiệp công nghệ cao như Huawei.

Song, chuyên gia phân tích độc lập Meenakshi Tiwari cho rằng người Ấn Độ khó thay thế hàng hóa công nghệ Trung Quốc trong ngắn hạn. Sản phẩm của Trung Quốc rẻ, giá trị cao. Chẳng hạn, điện thoại Trung Quốc chiếm 50% lượng xuất xưởng trên cả nước. Trừ khi có lựa chọn tốt hơn, ông không nghĩ sẽ có thay đổi lớn nào trong hành vi tiêu dùng của người dân.

Ấn Độ dù là một nước mạnh về công nghệ song có lẽ phải đợi 10 năm nữa mới có thể nói chuyện có thể vượt qua Trung Quốc được hay không, trong khi Trung Quốc không chỉ mang lại cho Ấn Độ sản phẩm mà còn cả vốn đầu tư và việc làm.

Du Lam (Theo SCMP)

Trung Quốc và Ấn Độ khó có thể "đường ai nấy đi" về công nghệ

Trung Quốc và Ấn Độ khó có thể "đường ai nấy đi" về công nghệ

Sự phụ thuộc lẫn nhau của Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt về thương mại và công nghệ, khiến hai nước này khó có thể cắt đứt quan hệ hoàn toàn.