Lan tỏa tinh thần phục vụ trong cơ quan nhà nước cho mục tiêu xây dựng Chính phủ số | Cách làm mới của Bộ TT&TT để đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử

Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử được khai trương vào cuối tháng 11/2019 là một hoạt động thể hiện cách làm mới của Bộ TT&TT.

Hiện thực hóa chủ trương Chính phủ phục vụ, kiến tạo

Thời gian qua, có thể khẳng định công cuộc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử đã đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử hiện thực hóa chủ trương Chính phủ phục vụ, kiến tạo, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Nghị quyết 17 thể hiện sự kết hợp giữa văn bản Chiến lược và Kế hoạch thực thi Chính phủ điện tử, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử.

Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu đã đạt được thời gian qua như: Đã có chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước với 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử được trao đổi qua mạng đạt khoảng 87%; Triển khai phát triển Hệ tri thức Việt số hóa để kết nối, chia sẻ tri thức cho các tầng lớp xã hội trong thời đại số, với dữ liệu mở đến nay đã có hơn 100.000 dataset; ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trong lĩnh vực giáo dục có hơn 10.000 câu;

Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành vào ngày 9/12/2019 trở thành đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tra cứu thông tin, giám sát tình trạng giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp chức năng đăng nhập một lần (SSO) để thực hiện thủ tục hành chính tại Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh. Hệ thống các cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính…

Đặc biệt, sau 6 năm nghiên cứu, xây dựng, Chính phủ đã Nghị định 73 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Nghị định này góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thuê dịch vụ CNTT và quản lý dự án đầu tư ứng dụng CNTT, rút ngắn khoảng 30% số bước thực hiện. Nghị định 73 cũng bổ sung quy định đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT chưa có sẵn trên thị trường, chủ đầu tư được lựa chọn doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất giải pháp, triển khai thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công thì tiến hành thủ tục thuê hoặc đầu tư theo quy định. Quy định này cho phép triển khai nhanh các ứng dụng CNTT mới, chưa có sẵn trên thị trường.

Dù vậy, phải thừa nhận rằng, hiện việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, thách thức lớn chính là sự phát triển chưa đồng bộ của công nghệ và thể chế. Trong khi công nghệ phát triển nhanh, nhiều hệ thống thông tin, ứng dụng đã sẵn sàng, nhưng việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý cho công tác triển khai còn chậm, điển hình như, các quy định về văn thư, lưu trữ điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân. Cùng với đó, còn là vấn đề đảm bảo an toàn thông tin nhiều nơi chưa thực sự quan tâm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn còn thấp…

Cách làm mới sẽ đẩy nhanh triển khai Chính phủ điện tử

Với định hướng triển khai Chính phủ điện tử trong năm 2020, tại Nghị quyết 17, Chính phủ đã vạch rõ nhiều mục tiêu cần phải hoàn thành trong năm 2020, trong đó có chỉ tiêu đưa tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng từ 50% lên 100%. Cùng với đó, phấn đấu 100% các Bộ, ngành, địa phương có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng. Công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam sẽ bước đầu chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số.

Trong bối cảnh các tồn tại, hạn chế trong triển khai Chính phủ điện tử chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu Chính phủ yêu cầu, Bộ TT&TT nhận thức rõ nhất thiết phải có cách làm mới.

Trên thực tế, thời gian gần đây, đảm trách vai trò “nhạc trưởng” trong điều phối, tổng chỉ huy triển khai Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã thực hiện cách làm mới để thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử.

Đơn cử như, cuối tháng 11/2019, Bộ TT&TT đã khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử. Với slogan “Chúng tôi lắng nghe để hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử”, Trung tâm được thiết lập tại địa chỉ egov.mic.gov.vn sẵn sàng giải đáp các phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị và tư vấn kịp thời việc triển khai Chính phủ điện tử.

Lan tỏa tinh thần phục vụ trong cơ quan nhà nước cho mục tiêu xây dựng Chính phủ số | Cách làm mới của Bộ TT&TT để đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử

“Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm” là quan điểm lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam hiện nay (Ảnh minh họa: M.Quyết)

“Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm” là quan điểm lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam hiện nay. Và để làm được điều này thì tinh thần phục vụ, hỗ trợ nhau cũng cần được chú trọng, lan tỏa ngay trong nội bộ các cơ quan, đơn vị trong các tổ chức hành chính nhà nước. Có như vậy, chúng ta mới có thể phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.

Cách làm mới của Bộ TT&TT trong triển khai Chính phủ điện tử còn là việc Bộ tích cực làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ triển khai một số hệ thống thông tin quan trọng; triển khai Bộ điểm, tỉnh điểm về Chính phủ điện tử; thống nhất chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp ICT triển khai CPĐT để tăng cường hiệu quả triển khai trên toàn quốc; cũng như việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm chia sẻ thông tin và giám sát an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, về các công nghệ nền tảng phục vụ Chính phủ điện tử, lần đầu tiên chúng ta đã thống nhất được quan điểm Việt Nam làm chủ các công nghệ nền tảng như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; điện toán đám mây; các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Đồng thời, đã thống nhất các sản phẩm, công nghệ cần làm chủ và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.

Năm 2020, làm tốt vai trò “nhạc trưởng” trong điều phối, tổng chỉ huy triển khai về Chính phủ điện tử là yêu cầu, mục tiêu Bộ TT&TT đã xác định rõ. Thời gian tới, các bộ, ngành, và tỉnh, thành phố sẽ báo cáo kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, về nền tảng và ứng dụng để Bộ TT&TT phối hợp, điều hành, giám sát, đánh giá, cho ý kiến, tháo gỡ khó khăn, tổng hợp báo cáo Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đảm bảo sự thống nhất trong toàn quốc về xây dựng Chính phủ điện tử.