Các con số được địa phương này đặt ra tương đương với mục tiêu chung Chính phủ đặt ra khi muốn thúc đẩy hơn nữa hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong khối dịch vụ công. Cụ thể là 90 – 100% cơ sở giáo dục ở địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Cũng trong Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của tỉnh, Lào Cai cũng mục tiêu đưa giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 15 lần GRDP. Trong Đề án của Chính phủ, mục tiêu đặt ra là giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GRDP.

Các địa phương thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong khối dịch vụ công (giáo dục, y tế). Ảnh minh hoạ: Duy Vũ 

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, địa phương kỳ vọng đưa tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên mức 50%. Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 7.500 điểm.
 
Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 10 - 15%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. 

Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh này cũng đưa con số mục tiêu có tới trên 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trên 50% số người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, trên 90% số người nhận trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.  
 
Để đạt được các mục tiêu, Lào Cai triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung vào cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu công nghệ; Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; Tăng cường phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thanh toán điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với hạ tầng của các đơn vị chấp nhận thanh toán, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến. Triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy, phát triển, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại điện tử; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Triển khai từng bước hoạt động đại lý thanh toán; chú trọng các tổ chức không phải ngân hàng triển khai hoạt động đại lý thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo quy định….

Việc phối hợp, hợp tác giữa các sở, ngành liên quan để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong việc thu, nộp ngân sách nhà nước. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thanh toán.