Lập trình Game lương đến 3.000 USD vẫn không đủ nhân lực 

Xuất phát điểm đánh vào thị trường ngách, thế nhưng game đang vươn mình trở thành một nét văn hóa đại chúng, là “thức ăn, nước uống” hằng ngày của thế hệ số, thay vì chỉ là một phương tiện giải trí đơn thuần.

Không chỉ chơi game, mọi thứ liên quan tới game luôn là thứ gây tò mò, thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ gen Z - vốn là thế hệ yêu công nghệ và ưa khám phá.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc sản xuất tập đoàn Gameloft, game là ngành duy nhất tổng hòa trọn vẹn của 3 lĩnh vực đỉnh cao gồm công nghệ - kinh doanh – nghệ thuật/tâm lý học con người.

Trong 3 ngành giải trí lớn nhất thế giới là âm nhạc, giải trí và game thì doanh thu từ mobile game vẫn lớn hơn cả âm nhạc (20 tỷ USD năm 2021) và phim ảnh (80 tỷ USD) cộng lại.

Ngành game Việt đang phát triển nhanh chóng, dẫn tới nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực lập trình viên. 

Theo số liệu của Statista, tính đến quý I/2021, Việt Nam đang là quốc gia có tỉ lệ người chơi game/dân số cao thứ 6 trên thế giới. Tuy nhiên nguồn nhân lực trong ngành game tại Việt Nam chỉ vẻn vẹn 25.000 người. 

Chính vì có sự chênh lệch quá lớn như vậy, theo các chuyên gia, việc thiếu hụt nhân lực ngành game Việt Nam là điều rất dễ nhận thấy. 

Dạo qua các website đăng tải thông tin về tuyển dụng tại Việt Nam, khoảng lương phổ biến khi tuyển dụng lập trình viên là từ 1.000 - 1.250 USD. Không thiếu những mẩu tin đăng tuyển lập trình game với mức lương cao ngất ngưởng lên tới 3.000 USD. Tuy vậy, có một nghịch lý khi ngành game Việt Nam lại đang “đỏ mắt” tìm người tài. 

Khoảng lương phổ biến của người làm lập trình game theo thống kê dựa trên các bài đăng tuyển dụng trên Vietnamworks.

Giám đốc một dự án NFT cho biết: “Hiện có khoảng 300 game NFT đang triển khai xây dựng tại Việt Nam, nhưng các studio lại không thể kham nổi khối lượng công việc vì vấn đề thiếu nhân lực triển khai.”

Đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp cho biết, họ thậm chí sẵn sàng trả mức lương không tưởng để chiêu mộ nhân tài về lập trình game trong nước. 

Việt Nam thiếu những chương trình đào tạo về ngành game 

Nhân lực được đào tạo bài bản về lập trình game tại Việt Nam có thu nhập khá cao. Với những người mới ra trường từ 6 tháng đến 1 năm, không khó để tìm thấy những trường hợp có thu nhập khoảng 25 triệu đồng, mức lương ao ước đối với nhiều bạn trẻ. 

Sở hữu mức thu nhập xấp xỉ con số này sau khi tốt nghiệp, Lê Minh Hiếu (SN 2000) - một lập trình viên trẻ vừa tốt nghiệp Aptech chỉ 6 tháng cho biết, lập trình viên game có thể tăng thêm thu nhập khi làm các dự án riêng, lập trình game cá nhân để đẩy lên các kho ứng dụng iOS hay Google Play… như con đường mà Nguyễn Hà Đông đã làm. khi đó, mức thu nhập của lập trình viên game sẽ là không giới hạn, Hiếu chia sẻ.

Người trẻ hiện đang có khá nhiều cơ hội khi theo đuổi ngành phát triển game. 

Theo Hiếu, khác với những nhánh rẽ khác trong ngành CNTT, với ngành game, các lập trình viên không chỉ làm việc với những dòng code mà còn được tiếp xúc với các khía cạnh về nghệ thuật, lịch sử và tâm lý học. 

Hiện nay, game không còn chỉ là một phương tiện giải trí đơn thuần mà len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống thời đại số. Game cũng đang vươn mình mạnh mẽ trong thời đại số và còn nhiều “đất dụng võ” để khai phá.

Tuy được trả lương khá cao, thiếu hụt nhân lực trầm trọng lại đang là vấn đề báo động đỏ, ngáng đường cho đà phát triển của các doanh nghiệp game nói chung và game Việt nói riêng.

Chia sẻ trong một tọa đàm được tổ chức mới đây, ông Kallol Mukherjee - Phó Chủ tịch Tập đoàn Aptech Ấn Độ cho biết, số lượng lập trình viên game mà thị trường Việt Nam cần đang vượt xa số lượng người thiết kế game.

Ông Kallol Mukherjee - Phó Chủ tịch Tập đoàn Aptech Ấn Độ chia sẻ về ngành game Việt Nam.

Lý giải cho thực tế trên, vị chuyên gia đến từ tổ chức chuyên đào tạo lập trình này cho rằng, Việt Nam hiện có rất ít môi trường đào tạo chuyên sâu bài bản, nhanh chóng về lập trình game. 

“Các chương trình hiện tại chỉ dừng lại ở các khóa đào tạo ngắn hạn, hoặc của những đơn vị cung cấp nhỏ lẻ. Đó là lý do Aptech đã ra mắt chương trình đào tạo lập trình viên Game Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam”, ông Kallol Mukherjee nói. 

Việc thiếu hụt nhân lực ở thời điểm hiện tại khiến các nhà sản xuất game trong nước buộc phải tuyển dụng nhân sự tại các thị trường nước ngoài hoặc thuê gia công game từ các thị trường khác. 

Đây là một sự lãng phí lớn trong khi người Việt được đánh giá sở hữu nhiều đức tính phù hợp cho việc phát triển game. Hơn nữa, Việt Nam cũng được xem là mảnh đất dồi dào về nguồn nhân lực con người, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT.

Trọng Đạt