Có thể nói, đây chính là sản phẩm lớn đầu tiên được công bố tại CES 2015. Sau nhiều lần thử nghiệm màn hình cong trong năm 2014, LG đã quyết định đưa ý tưởng táo bạo này lên một con dế đại chúng: G Flex 2. Nhưng liệu sự liều lĩnh này có hiệu quả?

Có vẻ như nhận ra kích cỡ 6-inch của G Flex đời đầu thực sự quá khổ, LG đã quyết định tiếp cận một cách khiêm tốn hơn khi lựa chọn kích cỡ 5.5 inch cho G Flex 2. Nhưng về cơ bản, các tính năng đặc trưng vẫn giữ nguyên, độ cong 700R, màn hình OLED plastic với độ phân giải 1080p, công nghệ sạc nhanh. Tuy nhiên, điểm mới của nó là chipset Snapdragon 810 và phần vỏ sau chống xước.

{keywords}

Ấn tượng nói chung của giới công nghệ dành cho con dế này khá tốt. Trang The Verge nhận định G Flex 2 là con dế cong "hợp lý" đầu tiên với cấu hình "ổn, đúng hướng". Trong khi đó, Phone Arena lại tỏ ra ấn tượng với tính năng độc đáo: Vỏ sau tự hồi phục (self-healing back cover) của G Flex 2. Ý tưởng như trong truyện khoa học viễn tưởng này sẽ cho phép G Flex hô biến các vết xước nhỏ chỉ trong vòng 10 giây, tuy nhiên bí quyết của công nghệ này là gì thì LG quyết giữ bí mật cho riêng mình.

Sự thay đổi đáng kể nhất của G Flex 2 so với phiên bản gốc là màn hình đã được thu nhỏ từ 6 inch còn 5.5 inch, trong khi độ phân giải tăng từ 720 x 1280p lên 1080 x 1920p. Cũng vì thế mà kích thước và trọng lượng của máy thay đổi rõ rệt: G Flex 2 tỏ ra thân thiện với bàn tay và túi quần hơn hẳn so với kẻ tiền nhiệm. LG cũng bổ sung thêm nhiều đường cong phụ ở cạnh bên của máy, giúp cho cảm giác cầm máy trên tay trở nên thoải mái hơn (tất nhiên, lời quảng cáo về cong 4 chiều của hãng nghe khá mơ hồ).

Ảnh chụp khá "dìm hàng" G Flex 2 khi ở ngoài, tông màu đỏ flamenco của nó trông bắt mắt và sành điệu hơn nhiều, PhoneArena cho biết. Tuy nhiên, hơi đáng tiếc khi nhà sản xuất chỉ lựa chọn chất liệu nhựa bóng cho con dế này, thay vì kim loại nhôm siêu nhẹ hoặc kính cao cấp như của Xperia Z3 hay HTC One M8. Bên cạnh đó, giá bán của G Flex 2 cũng sẽ cao hơn đáng kể so với G3, khiến cho nó trở thành một thiết bị có đối tượng người dùng khá hẹp.

2. Màn hình

{keywords}

Rõ ràng, sứ mệnh của G Flex 2 là để quảng cáo cho công nghệ màn hình cong mới của LG, nhất là khi đối thủ Samsung cũng đã phô trương công nghệ của mình với Galaxy Note Edge. LG sử dụng màn hình OLED nhựa với lớp kính bảo vệ bên trên nhưng không phải là của Corning Gorilla Glass như ta thường thấy. Hãng cho biết họ đã gia cố bằng hóa chất để lớp kính này có độ bền cao hơn 20% so với thông thường nhưng điều này cần được kiểm chứng thêm. Một sự nuối tiếc nữa là độ phân giải chỉ dừng lại ở 1080p chứ không phải QHD như G3, dù tất nhiên sự lựa chọn này sẽ giúp tiết kiệm pin hơn. Có lẽ LG cho rằng màn hình cong thì độ phân giải siêu nét cũng sẽ không phát huy được hết tác dụng chăng?

3. Vi xử lý

{keywords}

G Flex 2 có lẽ cũng sẽ là con dế cao cấp đầu tiên trang bị vi xử lý Snapdragon 810 mới của Qualcomm. Đây là một sự kiện theo PhoneArena là đáng chú ý trong thế giới Android bởi riêng ở phương diện này thì Android đang phải đuổi theo Apple: Cuối cùng thì giấc mơ 64-bit cũng đã trở thành hiện thực.

Phiên bản Snapdragon 810 mà G Flex 2 lựa chọn là 8 lõi, xung nhịp 2GHz, đi kèm với RAM 2GB LPDDR4 mới, một công nghệ RAM với băng thông nhanh hơn. Các lựa chọn bộ nhớ trong bao gồm 16GB và 32GB, hơi khiêm tốn so với kích cỡ và mặt bằng chung của flagship hiện nay, nhưng rất may là có khe cắm thẻ nhớ để "cứu viện" khi cần.

4. Camera

{keywords}

PhoneArena đánh giá G Flex 2 không có gì mới mẻ hay đột phá trong lĩnh vực ngày càng quan trọng với người dùng smartphone này. Thiết bị vẫn sử dụng camera chính 13MP với bộ ổn định hình ảnh quang học (OIS+) và khả năng lấy nét tự động bằng tia laser, tức là về phần cứng camera thì cơ bản giống hệt với G3. Tất nhiên, camera G3 được đánh giá cao nhưng dù sao, nó vẫn là sản phẩm của năm 2014. Người dùng có quyền đòi hỏi nhiều hơn ở một sản phẩm đầu bảng của năm 2015.

Bù lại, cần đánh giá cao G Flex 2 ở khả năng hiển thị video, nhất là ở môi trường ngoài trời. Nhờ độ cong 700R, màn hình sẽ ít bị bóng, lóa hơn và việc xem video hay văn bản khi ở ngoài nắng sẽ dễ dàng hơn.

5. Pin

{keywords}

Một trong những phát minh thầm lặng nhưng có ý nghĩa cực kỳ lớn của năm 2014 chính là công nghệ sạc siêu tốc QuickCharge của Qualcomm. Các hãng smartphone đã nghĩ ra nhiều cái tên khác nhau cho công nghệ sạc nhanh này, một số cố gắng cải tiến đôi chút nhưng phần lõi bên trong thì tất cả đều là tính năng của Snapdragon. LG cuối cùng cũng nhập cuộc với G Flex 2 khi pin 3000 mAh của nó có thể sạc từ 0 lên 50% chỉ trong vòng 40 phút.

6. Dự đoán:

PhoneArena đánh giá G Flex 2 là một con dế gây được bất ngờ, dù tin đồn về nó đã xuất hiện từ hè năm ngoái. Thứ nhất, độ thời trang của G Flex 2 vượt trên kỳ vọng, độ cong không quá lớn nhưng vẫn là một phát minh có ý nghĩa, dù bạn sẽ cần thời gian để làm quen với cách sử dụng. Tính năng tự hồi phục nghe khá hấp dẫn trên lý thuyết, dù mức độ khả dụng trong thực tiễn chỉ giới hạn ở các vết xước nhỏ, không đáng kể mà thôi. Về mặt phần cứng thì G Flex 2 có cấu hình vừa đủ ở mức đầu bảng, không dẫn đầu nhưng cũng khó chê trách với vi xử lý Snapdragon mới nhất, Android 5.0, camera 13MP, công nghệ sạc nhanh.

Bạn có thể đánh giá cao con dế này ở sự khác biệt giữa một rừng sản phẩm na ná như nhau của Android, nhưng xét đến giá bán và mặt bằng chung của các smartphone đầu bảng 2015, đây chắc chắn không phải là lựa chọn dành cho số đông.

Trọng Cầm