Bất chấp phản đối mạnh mẽ từ các công ty công nghệ và nhà mạng, hạ viện Úc vẫn thông qua một loạt các biện pháp an ninh mạng mới, buộc các hãng phải cho nhà chức trách quyền truy cập vào tin nhắn đã mã hóa của khách hàng. Dù đã thông qua ở hạ viện, dự luật vẫn được đưa ra tranh luận tại thượng viện. Phiên họp kế tiếp của quốc hội dự kiến vào tháng 2/2019.

Liên minh Reform Government Surveillance (cải cách sự giám sát của chính phủ) bao gồm các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ khẳng định luật mới của Úc là “thiếu sót sâu sắc”, có thể “làm xói mòn an ninh mạng, nhân quyền hay quyền đối với sự riêng tư của người dùng”. Trước đó, Silicon Valley đã tiến hành chiến dịch vận động hành lang quy mô nhằm trì hoãn dự thảo chống mã hóa.

Dự luật, nếu được thông qua, cho phép cảnh sát và tình báo Úc quyền buộc các công ty và kể cả website đang hoạt động tại Úc hỗ trợ chính phủ phá khóa hay cài cửa hậu vào sản phẩm theo mệnh lệnh của chính phủ. Các nhà chỉ trích cho rằng do hệ thống có thể bị lạm dụng do không có giám sát độc lập tương ứng. Những công ty từ chối tuân thủ sẽ nhận án phạt tài chính nặng nề.

Liên minh còn có sự tham gia của Dropbox, Facebook, Google, Oath (công ty mẹ của Yahoo), được thành lập sau khi có tên trong tài liệu tuyệt mật của Mỹ trong chương trình PRISM của Cơ quan an ninh quốc gia. Tất cả đều phủ nhận sự liên quan và bắt đầu nỗ lực vận động hành lang nhằm kêu gọi chính phủ cải cách hoạt động giám sát của mình. Evernote, LinkedIn, Snap và Twitter, dù không được nhắc tên như đối tác của PRISM, sau đó cũng tham gia liên minh và ký vào lá thư.

Cisco và Mozilla gia nhập cùng các công ty khác trong đơn khiếu nại độc lập gửi lên nhà chức trách Úc ngay trước vòng bỏ phiếu, tranh luận “luật có thể gây hại nghiêm trọng đến Internet”.