Tường phí (paywall) là phương pháp giới hạn một phần hoặc tất cả nội dung, để từ đó buộc người sử dụng phải trả tiền để tiếp tục khám phá phần còn lại. Từ khoảng giữa thập niên 2010, báo chí phương Tây đã thi nhau dựng lên các loại tường phí ‘cứng’ (hard) và ‘mềm’ (soft) hoặc trộn lẫn cả hai để thu phí người đọc bắt buộc.

Thành công của các mô hình thu phí phương Tây là cơ sở để báo chí nước ta học hỏi. Tuy vậy, trải qua rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo bàn về cách xây dựng và thu phí báo chí, mới có một cơ quan duy nhất thử nghiệm hình thức dựng tường phí học theo báo chí nước ngoài. 

Rõ ràng, phần còn lại là những cơ quan báo chí còn khá dè dặt trong việc đặt tường phí vì chưa có giải pháp nào thực sự đột phá nếu chỉ tìm cách bắt chước y hệt mô hình nước ngoài. Vậy những loại tường phí nước ngoài có gì đặc biệt? 

Tường phí ‘cứng’

Tường phí cứng là mô hình trả phí bắt buộc, được áp dụng chủ yếu ở một số tờ báo lớn nhất thị trường như The Times hay Wall Street Journal. Loại tường phí này buộc người đọc phải trả tiền để đọc bất kỳ nội dung nào có trên ấn bản điện tử của tờ báo với đối tượng độc giả hướng tới là những người sẵn sàng bỏ tiền mà không có một chút đắn đo.

Tương tự, tường phí ‘cứng’ thường được áp dụng cho những sản phẩm đã thống trị thị trường mà đơn vị chủ quản không phải cân nhắc quá nhiều về mức giá. Chẳng hạn, Netflix sau khi đã thống trị thị trường video theo yêu cầu đã bỏ luôn hình thức cho xem miễn phí 30 ngày. Ở chiều ngược lại, một số dịch vụ mới ra mắt muốn cạnh tranh phải cho người dùng xem thử miễn phí như Apple TV+ (tường phí ‘mềm’).

Như vậy, không chỉ với báo chí, các nền tảng dịch vụ khác đều chọn cách linh hoạt khi áp đặt tường phí ‘cứng’. Nếu chưa phải sản phẩm thống trị thị trường, tường phí ‘cứng’ là cách nhanh nhất để đẩy người dùng một đi không trở lại.

Tường phí ‘mềm’

Một giải pháp linh hoạt hơn được nhiều tờ báo nước ngoài đang áp dụng là tường phí ‘mềm’. Nghĩa là độc giả được đọc miễn phí một số lượng bài viết nhất định theo ngày hoặc được đọc các bài viết cũ và phải trả tiền để đọc những bài viết áp phí.

Một kiểu tường phí ‘mềm’ linh hoạt hơn là chỉ cho đọc một nửa nội dung hoặc giới hạn thời gian đọc. Kiểu tường phí có tính mời chào này khá giống với những ứng dụng chỉ cho sử dụng tính năng cơ bản và bắt trả tiền để dùng các tính năng nâng cao.

Lối đi nào cho 'tường phí' báo chí trả tiền?
Tường phí 'mềm' cung cấp một số nội dung miễn phí, bên cạnh các nội dung trả phí.

Tường phí nào cho Việt Nam?

Khó có thể đưa ra kết luận loại tường phí nào là tối ưu ở thị trường báo chí thu phí Việt Nam khi không có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các dịch vụ tương đương cung cấp trên nền tảng Internet, có thể thấy sự vượt trội của tường phí ‘mềm’ so với tường phí ‘cứng’.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực game, số lượng game online thu phí bắt buộc ở thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay so với con số 714 game được cấp phép phát hành. Ở lĩnh vực điện ảnh, các nền tảng ngoại như Netflix thường áp đặt tường phí ‘cứng’. Trong khi đó các nền tảng nội như POPS TV, Clip TV, FPT Play hay Zing TV lại áp dụng tường phí ‘mềm’, cung cấp song song một số bộ phim miễn phí bên cạnh phim trả tiền. 

Tất nhiên, sự so sánh này có thể là khập khiễng bởi nội dung báo chí khác hoàn toàn so với nội dung giải trí. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ chuyển đổi chung (conversion rate) được các chuyên gia đưa ra là khoảng 10% ở Việt Nam (tỷ lệ có thể khác nhau phụ thuộc vào nền tảng, nội dung, cách thức phân phối). Tức 100 người tiếp cận sẽ có 10 người chấp nhận trả tiền và 90 người bỏ đi.  

Lối đi nào cho 'tường phí' báo chí trả tiền?
Tỷ lệ chuyển đổi trung bình trên Facebook là 9,21%. (Nguồn: WordStream)

Như vậy, báo chí thu phí phải thu hút được hàng chục triệu người đọc mới nên tính đến việc áp tường phí ‘cứng’. Các tờ báo nổi tiếng nhất, lượng độc giả cao nhất có thể áp dụng phương pháp tường phí ‘cứng’ nhưng lượng độc giả mất đi rất đáng cân nhắc. 

Chẳng hạn, tờ The Times (Anh) sau khi chuyển sang thu phí bắt buộc đã mất 90% lượng truy cập và kiếm được 50.000 thuê bao trả phí mỗi tháng khi áp đặt tường phí ‘cứng’. Đến nay, gần 10 năm sau ngày ra quyết định lịch sử đó, tờ báo điện tử của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã có 304.000 thuê bao chấp nhận trả 26 bảng Anh/tháng. Con số này chưa bao gồm gần 360.000 thuê bao đặt mua báo in thường xuyên. Lợi nhuận trước thuế của tờ này là 3,75 triệu bảng trên doanh thu 330,2 triệu bảng vào năm 2019. 

Những con số đó chỉ ra rằng áp tường phí ‘cứng’ sẽ làm gia tăng chi phí như chi phí kỹ thuật, marketing, đầu tư nội dung chất lượng… Đây là những vấn đề mà báo chí trả tiền cần cân nhắc. 

Lối đi nào cho 'tường phí' báo chí trả tiền?
Ông trùm Rupert Murodch là người đã phát triển thành công đế chế tin tức ở phương Tây với tài sản cá nhân khoảng 17,7 tỷ USD.

Vậy tường phí ‘mềm’ liệu có phải lời giải cho báo chí thu phí ở Việt Nam? Nếu nhìn vào tình trạng tin tức tràn lan như hiện nay, tường phí ‘mềm’ có thể là một giải pháp an toàn, không đột phá nhưng cũng không khiến cơ quan báo chí mất đi độc giả truy cập thường xuyên.

Nhưng nhìn rộng hơn, nếu mọi thứ đều áp đặt tường phí ‘mềm’, liệu độc giả có chấp nhận trả phí khi có đầy rẫy nội dung miễn phí? Đây chính là bài toán khó mà các nền tảng xem phim trong nước phải đau đầu đi tìm lời giải. 

Đó là bài toán đầu tư mua phim bản quyền tốn kém nhưng dễ dàng bị xâm phạm bản quyền bởi các website phim lậu. Và không có gì đảm bảo tình trạng tương tự không thể xảy ra đối với báo chí trả tiền khi áp đặt tường phí.

Phương Nguyễn

Chiến lược nào cho báo chí thu phí nội dung?

Chiến lược nào cho báo chí thu phí nội dung?

Một chiến lược dài hạn và khả thi cho thu phí báo chí là điều mà nhiều cơ quan báo chí còn đang đi tìm lời giải.