Trong khuôn khổ cuộc thi Viet Solutions 2022, Bộ Thông tin & Truyền thông và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Thăm khám sức khỏe startup - Bạn đang ở đâu trong vòng đời tăng trưởng”. 

Sự kiện được tổ chức với mong muốn khai thác câu chuyện “thực thi” - “thực chiến” của startup và các đội thi, hướng đến giải quyết những vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp khởi nghiệp thường hay gặp phải.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Lê Mạnh Tấn - PTGĐ Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho biết, kể từ khi ra đời, Viet Solution đã có 900 giải pháp được đầu tư với tổng giá trị hợp đồng đã ký kết lên tới 45 tỷ đồng. Đây cũng là lý do cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions nhận được sự ủng hộ lớn lao của cộng đồng startup.

Người làm startup cần giải quyết bài toán mà người dùng cần

Ông Nguyễn Thế Duy – Chủ tịch Liên minh Metaverse, đồng sáng lập ADT Creative cho rằng, một trong những căn bệnh phổ biến của các startup là thích nói nhiều về công nghệ. Tuy nhiên, khi startup nói xong, khách hàng của họ lại không hiểu gì. Sản phẩm của startup có đáp ứng được nhu cầu khách hàng hay không họ cũng không biết.

Với thực tế trên, Chủ tịch Liên minh Metaverse cho rằng, các công ty khởi nghiệp cần phải biết sản phẩm mình đang làm là gì và sản phẩm đó giải quyết được bài toán nào trong thực tế. Startup cũng cần phải hiểu khách hàng của mình, biết họ là ai và đang ở phân khúc thị trường nào.

Ông Lê Mạnh Tấn - PTGĐ Tổng Công ty Viễn thông Viettel chia sẻ về ý nghĩa của sự ra đời cuộc thi Viet Solution. (Ảnh: Trọng Đạt)

Sau khi đã giải được câu chuyện đó, vấn đề tiếp theo của các công ty khởi nghiệp là việc xây dựng đội ngũ để phát triển sản phẩm. Con người là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định một mô hình kinh doanh có thành công hay không, bởi họ chính là nhân tố đóng vai trò thực thi ý tưởng.  

Khi công ty có 10-20 người, các nhân sự trong công ty sống rất tình cảm, thường có cảm giác như 1 gia đình. Thế nhưng khi doanh nghiệp phát triển, quy mô lớn hơn, từ 100-200 người thì đó lại là một câu chuyện khác. Khi đó có rất nhiều vấn đề tranh cãi xảy ra. Trách nhiệm của người lãnh đạo lúc này là phải cân bằng và đôi khi hơi phũ phàng một chút”, ông Duy nói.

Chia sẻ thêm với những người đang khởi nghiệp, vị chuyên gia khách mời này cho rằng, mô hình “đốt tiền” sẽ không phù hợp với các startup nhỏ. Bản thân startup trước khi nghĩ đến việc gọi vốn cần phải tự nuôi sống được mình. Đến lúc ấy, startup mới có vị thế tốt để thương lượng trên bàn đàm phán.

Đối với vấn đề tài chính, người lãnh đạo startup cần phải tìm hiểu để biết những chi phí phí nào khi bỏ ra sẽ có thể cấu thành tài sản. Ví dụ chi phí cho đội “dev” có thể được cơ cấu thành tài sản vô hình để góp phần hình thành nên vốn chủ. Đây là những kiến thức mà các startup sẽ được bổ sung tại cuộc thi Viet Solution.

Startup lớn hay nhỏ đều có “nỗi đau” của riêng mình

Suy nghĩ chung của nhiều startup là họ coi các công ty lớn như những con "ngáo ộp". Nếu gã khổng lồ này cũng mở một startup và tham gia thị trường, các startup nhỏ hơn sẽ không có cửa. 

Nói về câu chuyện này, bà Phạm Thanh Phương – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Truyền hình Viettel Telecom cho rằng, khi công ty lớn làm startup, mọi chuyện nghe qua tưởng chừng rất dễ dàng nhưng thực tế thì lại không đơn giản như vậy. 

Viettel Telecom hiện đang phát triển ứng dụng TV360 và mới có những bước đi đầu tiên để tham gia vào thị trường dịch vụ truyền hình trực tuyến. 

Các chuyên gia khách mời chia sẻ kinh nghiệm với các startup tham dự Viet Solution. (Ảnh: Trọng Đạt)

Theo bà Phạm Thanh Phương, công ty, tập đoàn lớn có quy mô to, đồng nghĩa với nó là sự cồng kềnh và quy trình xử lý không thể nhanh như các doanh nghiệp nhỏ.

Với các tổ chức, doanh nghiệp lớn, khi đánh giá để làm startup, thời gian thực hiện những báo cáo nghiên cứu thị trường có thể tính bằng năm.

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn không tính bằng triệu đồng mà tính bằng triệu USD, do vậy, thời  gian để ra quyết định thường rất lâu”, bà Phương chia sẻ.

Theo đó, với các startup nhỏ hơn, sản phẩm, dịch vụ của họ chỉ cần có chỗ đứng trên thị trường đã là một sự thành công. Tuy vậy, với các doanh nghiệp lớn, áp lực của họ khi làm startup lớn hơn nhiều bởi đã không làm thì thôi, nếu làm thì phải thành số một.

Tiếp theo là vấn đề nhân sự và tài chính. Startup nhỏ có thể ra quyết định tuyển nhân sự rất nhanh, thậm chí chỉ mất 1 đến 2 ngày. Thế nhưng với các công ty lớn, điều này phải tính bằng tháng.

Riêng về vấn đề tài chính, công ty lớn có tiền để làm startup nhưng lại bị ràng buộc bởi các quy định. Việc triển khai kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ mới do đó sẽ không thể nhanh như startup bên ngoài.

Theo bà Phạm Thanh Phương, đây là những sự khác biệt giữa startup của công ty nhỏ và công ty lớn. Những ví dụ trên cũng cho thấy, dù lớn hay nhỏ, các startup đều sẽ có những vấn đề của riêng mình.

Trước thực tế đó, những người làm khởi nghiệp cần phải có niềm tin vào năng lực sản phẩm của mình bởi cơ hội thành công của các startup là như nhau, bất kể họ là một doanh nghiệp mới hình thành hay đến từ các công ty, tập đoàn lớn.

Trọng Đạt