Kết quả kinh doanh quý mới nhất của Dâu đen thấp hơn nhiều so với dự đoán của phố Wall, cho thấy hành trình phục hồi quả thực là còn dài và đầy chông gai.


{keywords}

Cụ thể, trong Q1/2015, BlackBerry lỗ 28 triệu USD, tương đương 5 cent/cổ phiếu, đạt tổng doanh thu 658 triệu USD. Trong khi đó, giới phân tích chỉ dự đoán mức lỗ 3 cent/cổ phiếu và tổng doanh thu 679 triệu USD.

Điểm sáng le lói duy nhất trong bức tranh ảm đạm này là mảng phần mềm và cấp phép công nghệ của BlackBerry đang có tiến triển. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ lên tới 150% và đạt doanh thu 137 triệu USD, mang đến hy vọng cho giới phân tích rằng những sự cải tổ, tái cơ cấu đã bắt đầu có tác dụng.

"Tôi tin rằng giai đoạn phục hồi tiếp theo sẽ có một xuất phát điểm khả quan hơn, bất chấp việc doanh thu và lợi nhuận đều thấp hơn dự đoán", nhà phân tích Bryan Prohm bình luận.

BlackBerry đang rất nỗ lực tái cơ cấu và thay đổi chiến lược kinh doanh, từ một hãng sản xuất smartphone thuần túy chuyển sang chú trọng hơn vào phần mềm và dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Dù Tổng giám đốc John Chen từng tuyên bố BlackBerry sẽ không từ bỏ cuộc chơi phần cứng, ai cũng nhìn thấy ông này đang theo đuổi mảng phần mềm béo bở hơn.

Tất nhiên, phần cứng của BlackBerry cũng chưa đến nỗi chết hẳn. Hãng này bán được 1.1 triệu điện thoại trong quý với giá bán trung bình 240 USD/máy. Ông John Chen từng bóng gió nói rằng hãng sẽ tiến hành các đợt marketing mạnh hơn dành cho sản phẩm, bởi danh sách các hãng bán lẻ và nhà mạng đối tác đã dài hơn. Đáng chú ý, trong quý này, BlackBerry đã có sự tái hợp với T-Mobile.

Tuy vậy, tốc độ ra mắt sản phẩm mới của BlackBerry vẫn còn quá chậm so với các đối thủ. Trong hơn một năm rưỡi qua, hãng này chỉ giới thiệu được vài ba mẫu máy mới như BlackBerry Classic hay BlackBerry Passport. Sản phẩm mới nhất của hãng - BlackBerry Leap nhắm đến những người dùng trẻ ở các tập đoàn lớn - một nhóm đối tượng không lấy gì làm phổ thông cho lắm.

Trả lời truyền thông, ông Chen cho biết Passport vẫn tiêu thụ "ổn định" trong khi Classic tăng trưởng. Tuy nhiên, các con số cụ thể không được tiết lộ.

Bên cạnh việc hợp tác cùng Foxconn, BlackBerry cũng đã đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển và sản xuất các sản phẩm mới với Wistron và Compal Electronics, trong một nỗ lực giảm giá thành, tăng lợi nhuận... Hiện tại, trong công thức doanh thu của hãng, 40% đến từ phần cứng, 38% đến từ dịch vụ và 21% là phần mềm - cấp phép bản quyền công nghệ.

T.C