Long An phổ biến cho người dân, doanh nghiệp các kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin
Các kỹ năng cơ bản đảm bảo an toàn thông tin mạng là một nội dung được Long An chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho cả cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch tuyên truyền về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Long An năm 2021 mới được UBND tỉnh này ban hành.

Kế hoạch nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng, phát triển đô thị thông minh, phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kế hoạch của UBND tỉnh Long An cũng hướng tới mục tiêu thu hút được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp để họ chủ động, tích cực truy cập, tham gia khai thác sử dụng các hệ thống ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến. Từ đó, góp phần phát huy hiệu quả các hệ thống đã xây dựng, cải thiện xếp hạng các chỉ số ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR) của tỉnh.

Theo Kế hoạch, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong nội bộ cơ quan nhà nước, trong thời gian từ nay đến hết năm 2021, Long An cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội.

Nội dung tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp gồm có: các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh và về đảm bảo an toàn thông tin; tình hình, kết quả ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng, phát triển đô thị thông minh, phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Người dân và các doanh nghiệp ở Long An cũng được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ mất an toàn thông tin và những kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, được giới thiệu các mô hình ứng dụng CNTT tiêu biểu, cách làm hiệu quả, thiết thực cũng như được thông tin về chức năng, lợi ích của các hệ thống ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp…

Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp được thực hiện theo nhiều hình thức như: xây dựng các chuyên mục, đăng tải bài viết, bản tin, phát sóng phóng sự trên phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, phát các bản tin, câu chuyện truyền thanh trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, tuyên truyền qua các thiết bị điện tử do cơ quan, địa phương quản lý như: màn hình LED công cộng, màn hình tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã (nếu có); phát hành tờ gấp giới thiệu, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp đến thực hiện thủ tục hành chính tại các Trung tâm chính công cấp tỉnh, cấp huyện cùng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã…

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An giao Sở TT&TT chủ trì theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này, đồng thời đảm bảo các hệ thống tại Trung tâm dữ liệu tỉnh vận hành an toàn, ổn định phục vụ nhu cầu sử dụng, truy cập thông tin của người dân, doanh nghiệp. 

Chương trình chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh này ban hành tháng 11/2020. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi số tốt, đưa Long An trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển Chính phủ số, kinh tế số của cả nước. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

M.T

Kêu gọi người dân toàn tỉnh cài Hue-S, Huế muốn đẩy nhanh chuyển đổi số

Kêu gọi người dân toàn tỉnh cài Hue-S, Huế muốn đẩy nhanh chuyển đổi số

Ngoài hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cài đặt ứng dụng Hue-S cho toàn dân trong tỉnh cũng để mỗi người hình thành thói quen sử dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.