Luật tiếp cận thông tin ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, cơ bản của công dân, đồng thời làm tiền đề cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân như đã nêu trong các công ước quốc tế và Hiến pháp Việt Nam.

{keywords}

Phát biểu tại Hội nghị phổ biến Luật tiếp cận thông tin do Bộ TT&TT tổ chức sáng 18/4, bà Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cũng giống như các luật khác, Luật tiếp cận thông tin không chỉ nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của con người và xã hội.

Theo bà Mai, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ngày một tăng, trong khi một số cơ quan nhà nước có xu hướng muốn thu hẹp diện công bố thông tin vì lí do bảo mật, bảo vệ bí mật nhà nước, ... Vì vậy, việc luật hóa trình tự, thủ tục và cách thức tiếp cận thông tin sẽ giúp người dân được bảo vệ quyền lợi chính đáng, đồng thời bảo đảm cơ quan công quyền không né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin theo luật. Ngoài ra, sự ra đời của Luật tiếp cận thông tin góp phần khẳng định Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và thực thi đầy đủ các công ước quốc tế, đặc biệt là những công ước về quyền con người.

Với tư cách thành viên ban soạn thảo Luật tiếp cận thông tin, bà Mai cho biết thêm, luật này được xây dựng trên nền tảng của 2 bản Hiến pháp (Điều 69, Hiến pháp năm 1992 và Điều 25, Hiến pháp năm 2013) quy định về những quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và quyền biểu tình.

Sau nhiều năm nghiên cứu, soạn thảo và 2 lần xin ý kiến Bộ Chính trị, Luật tiếp cận thông tin đã được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016. Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018.

Tại hội nghị, đa số các ý kiến trao đổi đều thống nhất rằng, việc ban hành Luật tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Luật có hiệu lực cũng sẽ góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường, góp phần nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần thực thi pháp luật hiệu quả.

T.A.