Bộ tem gồm 3 mẫu (khuôn khổ 43 x 32mm) và 1 blốc (150 x 90mm), với giá mặt lần lượt là 4.000 đồng, 4.000 đồng, 15.000 đồng và 15.000 đồng, do họa sỹ Nguyễn Du (thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế theo phong cách đồ họa mang đậm mầu sắc dân gian với các nội dung cô đọng, đại diện tiêu biểu của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

{keywords}
Bộ tem “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” gồm 3 mẫu tem và 1 blốc.

Trong đó, mẫu tem thứ nhất thể hiện không gian ước lệ của Ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu gồm 3 ngôi của 3 vị Thánh Mẫu: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ.

Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời, theo quan niệm của dân gian thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam; Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi, là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú; Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thủy, cai quản miền sông nước, Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước.

{keywords}
Phong bì Ngày phát hành đầu tiên (FDC)

Mẫu tem thứ hai thể hiện nghi thức Hầu bóng, một nghi thức quan trọng, không thể thiếu trong các nghi lễ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, được thực hiện với ước muốn con người có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các Thanh đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Mẫu tem thứ ba thể hiện Đại lễ kiều thỉnh Ngũ vị Vương quan, một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Việt, được thực hành trong không khí trang nghiêm và đầy đủ nghi thiết, tái hiện lại hình ảnh các vị anh hùng dân tộc được thánh hóa, mang đầy ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc.

Mẫu blốc thể hiện màn Rước kiệu Tam thánh Mẫu với hình kiệu rước 3 sắc mầu điển hình, được sắp xếp thành hàng hướng về Phủ chính. Không gian lễ hội Rước Mẫu được tái hiện với nhiều đoàn rước, đây là một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu của đạo Mẫu.

Màu sắc của bộ tem “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” thiên về 3 gam chính gồm sắc đỏ, xanh, trắng, lần lượt tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ), miền Nước (Thoải phủ).

{keywords}
Mẫu dấu thể hiện hình ảnh Tín ngưỡng thờ Mẫu

Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt với một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Phật giáo, Đạo giáo. Mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo và Đạo giáo thể hiện rất rõ qua quan niệm về vũ trụ luận, cách sắp đặt thờ tự, thực hành nghi lễ chầu văn, đặc biệt là nghi lễ rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh… vào dịp lễ hội.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1/12/2016.
Bộ tem “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” được lưu hành trên mạng lưới bưu chính từ ngày 6/12/2020 đến ngày 30/6/2022.

Bình Minh

Việt Nam - Cuba phát hành tem chung theo nghi thức đặc biệt

Việt Nam - Cuba phát hành tem chung theo nghi thức đặc biệt

Bộ tem “Tem phát hành chung Việt Nam – Cuba” tôn vinh di sản UNESCO của hai nước, được phát hành theo nghi thức đặc biệt, nhằm góp phần tuyên truyền về văn hóa của hai dân tộc, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cuba.