Tieu huy o cung anh 1

Mick Payne, Giám đốc điều hành công ty xử lý rác thải công nghệ Techbuyer, từng chứng kiến hàng nghìn chiếc ổ cứng đến từ các hãng công nghệ bị tiêu hủy. Mặc dù có thể tái sử dụng, những thiết bị này vẫn được đội bảo vệ giám sát nghiêm ngặt đưa vào các công xưởng và bị nghiền ra thành trăm mảnh.

“Thật lãng phí. Họ thậm chí còn không để bất cứ thiết bị nào lọt ra ngoài. Trong khi đó, chúng tôi có thể xóa sạch mọi dữ liệu bên trong và bán lại cho khách hàng mới để tái sử dụng”, Payne nói.

Những ổ cứng có vòng đời ngắn ngủi

Theo Financial Times, mỗi email, tài liệu hay tấm ảnh người dùng chia sẻ hàng ngày đều không được lưu trữ trên bộ nhớ đám mây như các hãng công nghệ cam kết. Trên thực tế, chúng được chứa trong các ổ cứng có kích thước bằng một chiếc băng đĩa.

Những thiết bị này có thể nằm bất cứ đâu trong 23.000 trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, thậm chí có trung tâm còn rộng bằng một hồ bơi theo tiêu chuẩn Olympic. Mỗi 3-5 năm, các công ty công nghệ lại nâng cấp thiết bị, khiến hàng loạt ổ cứng bị tiêu hủy một cách lãng phí.

Những công ty như Amazon, Microsoft hay các ngân hàng, văn phòng chính phủ đã vứt bỏ hàng triệu ổ cứng mỗi năm, Financial Times cho biết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho hoàn toàn có cách tốt hơn để tiêu hủy số dữ liệu bên trong các thiết bị này. Họ có thể dùng phần mềm máy tính để xóa dữ liệu trên ổ cứng trước khi đem bán lại cho người dùng.

Tieu huy o cung anh 2

Mặc dù có thể tái sử dụng ổ cứng, các hãng công nghệ vẫn quyết định tiêu hủy toàn bộ. Ảnh: Recycle IT.

“Xét trên góc độ bảo mật, các công ty không cần phải tiêu hủy chúng như vậy”, Felice Alfieri, một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định.

Theo Financial Times, một trong những nguyên nhân khiến các công ty phải mạnh tay xóa bỏ các ổ cứng này là vì lo sợ bị lộ thông tin, khiến người dùng chỉ trích và chính quyền cảnh cáo. Tháng trước, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã phạt ngân hàng Morgan Stanley 35 triệu USD vì thanh lý ổ cứng nhưng không xóa dữ liệu khách hàng. Một số thiết bị chứa thông tin từ các ngân hàng còn bị đem ra đấu giá trên các sàn thương mại điện tử.

Sự kiện này đã khiến các công ty lo sợ, buộc phải tiêu hủy từng thiết bị lưu trữ một để đảm bảo tính bảo mật. Một nhân viên của Amazon Web Services cho biết hãng đã nghiền nát tất cả ổ cứng khi chúng trở nên lỗi thời sau 3-5 năm sử dụng. “Chỉ cần một thiết bị bị lọt ra ngoài, chúng tôi sẽ đánh mất niềm tin của hàng triệu khách hàng”, người này chia sẻ.

Trong khi đó, một nhân viên làm việc tại xưởng tiêu hủy dữ liệu ở Microsoft nói rằng tập đoàn xóa bỏ mọi ổ cứng tại trung tâm dữ liệu Azure. “Chúng tôi đã nghiền nát toàn bộ thiết bị nhằm đảm bảo bảo mật dữ liệu khách hàng”, Microsoft nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trung tâm dữ liệu này cũng bị giám sát gắt gao vì tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Hồi tháng 7, các số liệu đã chỉ ra các trung tâm đã sử dụng hết nguồn điện dành cho các hộ gia đình mới ở London, gây áp lực lên các công ty, buộc họ phải thay thế các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nhưng ngược lại, điều này lại phải trả giá bằng việc thải thêm nhiều rác thải ra môi trường.

“Vấn đề tiêu tốn năng lượng được giải quyết bằng cách vứt bỏ nhiều tài nguyên hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu số năng lượng tiết kiệm được có đáng với số rác thải bị bỏ đi hay không”, Johann Boedecker, nhà sáng lập công ty tư vấn Pentatonic, nói.

Bài toán khó của các hãng công nghệ

Theo công ty tư vấn công nghệ Gartner, trong vòng 3 năm tới, sẽ có thêm 700 trung tâm dữ liệu được xây dựng trên toàn thế giới. Nhưng làm thế nào để xử lý số ổ cứng sử dụng mỗi năm vẫn là một bài toán khó.

Theo Financial Times, hầu hết trung tâm đều tiêu hủy các thiết bị lưu trữ sau vài năm sử dụng mặc dù chúng vẫn có thể hoạt động thêm hàng thập kỷ nữa. Một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm quốc gia năng lượng tái tạo Mỹ (NREL) đã ước tính 90% ổ cứng bị tiêu hủy dù vẫn đang hoạt động tốt. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng phát hiện 50% thiết bị gặp tình trạng tương tự.

“Các công ty rất lo ngại về số dữ liệu trên các ổ cứng bị phá hủy này. Do đó, chúng tôi phải nghiền nát tất cả mọi thứ, không chừa lại bất cứ dữ liệu nào”, chủ tịch Greg Rabinowitz của công ty xử lý thiết bị công nghệ Urban E Recycling, nói.

Tieu huy o cung anh 3

Quy trình phá hủy thiết bị lưu trữ cũ nhằm đảm bảo an ninh nhưng lại có tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhiều công ty khẳng định sau khi tái chế họ có thể lấy lại khoảng 70% vật liệu nhưng quá trình tái chế lại ra lượng khí thải tương đương quá trình sản xuất mới, nhà nghiên cứu Julien Walzberg tại NREL cho biết.

“Dù tái chế toàn bộ vật liệu, số năng lượng và tiền bạc ban đầu mà các công ty dùng để chế tạo những ổ cứng này đều đã trở thành vô ích”, Walzberg bổ sung. Do đó, tái sử dụng là biện pháp hiệu quả nhất.

Theo Financial Times, những ổ cứng đã qua sử dụng đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với các thiết bị mới. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đã sử dụng công nghệ này cho máy chủ của mình.

Google cho biết 27% linh kiện trong máy chủ mới vào năm 2021 là hàng tân trang lại. Đồng thời, họ sẽ ghi đè dữ liệu lên các ổ cứng để tái sử dụng nếu có thể. Trong khi đó, Microsoft đã xây dựng nhiều “trung tâm tái chế” để tân trang các thiết bị cũ. Hãng công nghệ nói rằng hơn 80% thiết bị sẽ được tái sử dụng vào năm 2024.

Các hãng còn cho biết sẽ kéo dài tuổi thọ các máy chủ đám mây của mình. Năm ngoái, Google khẳng định sẽ dùng những thiết bị này thêm 3-4 năm nữa, trong khi Amazon Web Services lại quyết định dùng thêm 4-5 năm. Mới đây, Microsoft cũng thông báo các máy chủ đám mây và thiết bị kết nối sẽ được dùng thêm đến 4-6 năm.

Song, tiêu hủy ổ cứng vẫn sẽ là quy trình tiêu chuẩn của các hãng công nghệ trong vài năm tới, Financial Times nhận định.

(Theo Zing)