Là một trong những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động năng nổ trong quá trình xây dựng mạng 5G tại Việt Nam, Nokia đang tiếp tục triển khai và tư vấn các bên trong triển khai và ứng dụng hạ tầng mạng 5G trong thời gian tới. Trong đó, mạng dùng riêng 4G/5G đang được hãng nhấn mạnh như một hạ tầng thiết yếu cho giai đoạn chuyển đổi số, hình thành đô thị thông minh. Ông Hoàng Ngọc Thức, Giám đốc Công nghệ Nokia Việt Nam chia sẻ về xu hướng xây dựng mạng dùng riêng 4G/5G.

Giúp Việt Nam cạnh tranh hơn trên môi trường số

- Xin cho biết Nokia hiện có những hoạt động nào tại Việt Nam?

Nokia đã hoạt động ở Việt Nam hơn 30 năm nay. Chúng tôi đã cung cấp dự án đầu tiên từ năm 1989. Chúng tôi hiện nay đang cung cấp các hạ tầng viễn thông bao gồm cả viễn thông di động, viễn thông cố định băng rộng và hạ tầng truyền dẫn cho các nhà mạng lớn ở Việt Nam như VNPT, Mobifone và Viettel. 

Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam luôn ở mức cao, trong đó viễn thông là một trong những hạ tầng quan trọng giúp chuyển đổi số và kinh tế số.

Chúng tôi xem Việt Nam là một thị trường quan trọng của Nokia. Hiện chúng tôi là một trong những đối tác quan trọng của các nhà mạng viễn thông cũng như các doanh nghiệp khác. Trong đó chính phủ Việt Nam cũng là một trong những đối tác của chúng tôi. Các giải pháp của Nokia giúp triển khai hạ tầng viễn thông nhanh chóng và đáng tin cậy hơn.

Thời gian qua Nokia đã ký một số hợp tác với các nhà mạng. Chẳng hạn chúng tôi ký biên bản ghi nhớ với VNPT để ứng dụng mạng không dây dùng riêng trên các hạ tầng 4G/5G nhằm phục vụ cho một số khu vực, cảng, sân bay trên phạm vi cả nước. Ngoài ra chúng tôi cũng có một số hành động ban đầu cùng nhau theo hướng phân tích, đánh giá, chia sẻ các cơ hội hợp tác cho một số dự án tiềm năng. 

Những việc này không chỉ giúp ích cho nhà mạng mà còn giúp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên môi trường số. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang sản xuất một số thiết bị viễn thông di động tại các nhà máy trong nước. Các hoạt động sản xuất này góp phần vào tăng trưởng FDI của nước ta trong năm qua. Nokia xem Việt Nam như một trong các trung tâm sản xuất nắm vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Nokia hy vọng sẽ tiếp tục giúp các nhà mạng và Việt Nam mở rộng hạ tầng mạng viễn thông, đặc biệt là mạng 4G trong các năm tới và triển khai mạng 5G từ năm 2023 trở về sau.

 Ông Hoàng Ngọc Thức, Giám đốc Công nghệ Nokia Việt Nam chia sẻ về xu hướng xây dựng mạng dùng riêng 4G/5G

Tiềm năng ứng dụng mạng dùng riêng ở Việt Nam

- Ông có thể chia sẻ một chút về mạng dùng riêng (private network) Nokia đang có kế hoạch triển khai?

Hiện nay mạng di động chúng ta đang dùng để gọi điện, sử dụng dữ liệu hàng ngày là mạng di động công cộng dành cho khách hàng tiêu dùng, còn mạng dùng riêng thì phục vụ cho một số mục đích riêng như cho các doanh nghiệp và tổ chức. 

Ví dụ như một nhà máy sử dụng mạng có dây và không dây (Wi-Fi). Tuy nhiên tính ổn định và linh động của các mạng này không cao. Thêm vào đó, mạng Wi-Fi có khả năng bị nhiễu nhiều hơn. Trong khi đó, mạng 4G/5G dùng riêng thì luôn đảm bảo kết nối tốc độ cao, sự tin cậy, độ trễ thấp. 

Vậy nên mạng dùng riêng có thể được sử dụng trong các nhà máy, bến cảng hoặc trong thành phố thông minh hoặc dành cho các dịch vụ an ninh an toàn. 

Mạng không dây dùng riêng có rất nhiều cách triển khai. Có thể thiết lập mạng không dây dùng riêng trên tần số riêng. Hoặc có thể sử dụng một số kiến trúc chia sẻ với những mạng công cộng bằng các công nghệ, như công nghệ slicing.

Slicing là công nghệ tạo lát cắt dành riêng cho dịch vụ đó, đảm bảo được tính an toàn, chất lượng dịch vụ và các yêu cầu khác. 

Tùy vào từng trường hợp mà mạng không dây dùng riêng được xây dựng riêng biệt hoặc chia sẻ với mạng di động công cộng. 

Nhiều nước, khu công nghiệp trên thế giới, đặc biệt là cảng, sân bay thì họ đã xây dựng mạng dùng riêng này trong điều hành, vận hành hàng ngày hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng đi và đến sân bay. Ở Việt Nam, theo như tôi quan sát, có nhiều tiềm năng về ứng dụng mảng mạng không dây dùng riêng này. 

- Xin cho biết tại Việt Nam đã có những bước nào để triển khai mạng dùng riêng này chưa? 

Vào cuối tháng 8 vừa qua thì Nokia có ký hợp tác với VNPT để nghiên cứu và đánh giá triển khai dùng riêng 4G/5G tại một số khu vực ở Việt Nam như cầu cảng, sân bay. Nokia có nhân sự ở Việt Nam để hỗ trợ, cùng làm việc với các khách hàng lớn như VNPT, Mobifone, Viettel nghiên cứu, đánh giá tiềm năng trong dự án này. 

Trên thế giới, Nokia cũng có rất nhiều khách hàng đang sử dụng mạng không dây dùng riêng. Tính đến đầu tháng 10 này, Nokia có 234 mạng 5G thương mại trên toàn thế giới, 82 trong số đó đã cung cấp dịch vụ 5G công cộng. Trong lĩnh vực mạng không dây dùng riêng thì Nokia có 485 khách hàng. Nokia cũng sử dụng các mạng không dây dùng riêng này trong các nhà máy của chúng tôi ở Phần Lan và Ấn Độ. 

- Có khó khăn nào không khi triển khai mạng dùng riêng tại Việt Nam và thế giới thưa ông?

Mạng không dây dùng riêng đã được triển khai trên nền tảng 4G từ lâu. Bắt đầu triển khai từ năm 2010, mạng dùng riêng 4G đáp ứng được 60-70% nhu cầu hiện nay. Mạng dùng riêng 5G thì có ưu điểm hơn ở chỗ độ tin cậy cao, độ trễ siêu thấp có thể đáp ứng phần 30 - 40% còn lại.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tùy vào thị trường, tính chất doanh nghiệp khác nhau sẽ có đặc điểm triển khai mạng dùng riêng khác nhau. Các doanh nghiệp đang nghiên cứu để áp dụng mạng không dây dùng riêng nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất. 

Các nhà mạng trên thế giới đang triển khai, áp dụng, phát huy mạng không dây dùng riêng trong bối cảnh công nghệ 4.0, nhà máy thông minh, và chuyển đổi số đang được quan tâm nhiều. 

Chính phủ Việt Nam đưa ra định hướng đặc biệt đến năm 2030 thì hạ tầng viễn thông (bao gồm cả mạng công cộng và mạng không dây dùng riêng) là hạ tầng cơ bản. Bởi trong tương lai, mọi người cần kết nối toàn thời gian để thực hiện các dịch vụ số như: hành chính công, an ninh an toàn, dịch vụ thương mại & thanh toán trực tuyến, dịch vụ video AR/VR/XR chất lượng cao, vốn cần một mạng công cộng lẫn mạng dùng riêng có độ tin cậy cao, độ trễ thấp.

- Trong việc phát triển mạng không dây dùng riêng và 5G thì Nokia đã có phối hợp với cơ quan chính phủ như thế nào?

Việt Nam có định hướng sử dụng mạng 5G làm hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số  và phát triển kinh tế số và xã hội số. Từ 2018, Nokia đã có các hội thảo, sự kiện với các nhà mạng lớn ở Việt Nam và chính phủ để chia sẻ những kinh nghiệm mà Nokia đã triển khai, cách thức triển khai của các nhà mạng khác trên thế giới. 

Năm 2019, Nokia cung cấp các giải pháp thử nghiệm kỹ thuật 5G với VNPT, Mobifone, Viettel. Cuối 2020, Nokia cung cấp giải pháp 5G để triển khai thử nghiệm thương mại tại Việt Nam, tức là cũng đã gần 3 năm rồi. Việt Nam hiện nay có hơn 40 thành phố đã công bố thử nghiệm mạng 5G. Và Nokia là một trong số các nhà cung cấp thiết bị cho 3 nhà mạng lớn xây dựng hạ tầng viễn thông 5G thử nghiệm thương mại này. 

Khác biệt của mạng không dây dùng riêng

- Ông có thể chia sẻ dễ hiểu một số ứng dụng của mạng không dây dùng riêng?

Mạng không dây dùng riêng hướng đến một nhóm đối tượng, mục đích cụ thể. Ví dụ như mạng không dây dành cho an ninh an toàn, trong trường hợp xảy ra thiên tai lũ lụt, một số khu vực bị cô lập thì mạng không dây công cộng có thể bị mất sóng, không kết nối hoặc không sử dụng được. Mạng không dây dùng riêng ngay từ đầu được thiết kế cho mục đích này nên vẫn duy trì, giúp cho kết nối với các vị trí quan trọng, kết nối các cơ quan nhà nước, phường xã, đảm bảo không bị ngắt quãng. 

Còn với doanh nghiệp, nếu dùng cáp quang hay Wi-Fi để kết nối tất cả thiết bị trong nhà máy lại với nhau, khi phát sinh thiết bị mới hay dây chuyền mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đi lại toàn bộ đường dây mạng, phải kiểm tra xem Wi-Fi có phủ lên vị trí mới hay không, dẫn đến việc triển khai bị chậm lại. Còn đối với mạng không dây dùng riêng thì tất cả đã được tính trong thiết kế ở giai đoạn đầu. 

- Xin cho biết chi phí triển khai và vận hành mạng dùng riêng như thế nào nếu so với mạng không dây và mạng cố định hiện tại?

Mạng Wi-Fi triển khai rất dễ, nên có những nhược điểm liên quan đến tính ổn định, độ trễ và tốc độ của nó. Mạng không dây dùng riêng có thể đạt tốc độ cao hơn, lên đến vài Gb/s, độ trễ 1 mili-giây, có thể được ứng dụng vào việc truyền tải video chất lượng cao trong phân tích hình ảnh, điều khiển dây chuyền sản xuất trong nhà máy chẳng hạn. 

Mạng mạng không dây dùng riêng với những đặc tính, ưu việt của nó mà mỗi mạng sẽ được thiết kế riêng cho một mục tiêu, trường hợp cụ thể trong nhà máy, doanh nghiệp. Mỗi mạng không dây dùng riêng sẽ được xây dựng đầy đủ tương tự như một mạng di động công cộng nhưng quy mô nhỏ hơn, tối ưu hóa theo yêu cầu, vị trí, đặc điểm của khu vực triển khai. 

Không như mạng di động công cộng đa số được vận hành bởi các nhà mạng viễn thông, trên thế giới cách vận hành mạng không dây dùng riêng sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp và có một số mô hình cụ thể, ví dụ như mạng dùng riêng có thể vận hành bởi chính doanh nghiệp/tổ chức, hoặc vận hành bởi nhà mạng viễn thông cung cấp hạ tầng hoặc ở dạng kết hợp cả hai là nhà mạng và doanh nghiệp/tổ chức cùng vận hành.

Doãn Phong