Theo Hiệp hội Sản xuất Máy ảnh và Sản phẩm ảnh (CIPA) của Nhật Bản, trên thế giới, giá bán trung bình của máy ảnh năm 2022 là 85.000 yen (623 USD), tăng hơn gấp đôi 3 năm trước. Nhờ tính tiện dụng, smartphone khiến máy ảnh kỹ thuật số, đặc biệt là máy ảnh giá rẻ, gặp khó khăn. Dù vậy, hai năm qua ghi nhận phục hồi tích cực về số lô hàng máy ảnh toàn cầu, là cơn “gió thuận” đối với Canon, Nikon và các thương hiệu đang theo đuổi phân khúc cao cấp khác.

Khách thăm quan dùng thử máy ảnh Canon tại triển lãm CP+ Camera & Photo Imaging Show. (Ảnh: Nikkei)

Tuần này, đông đảo những người đam mê nhiếp ảnh đã tới tham dự triển lãm CP+ Camera & Photo Imaging Show tại Yokohama. Đây là sự kiện thiết bị ảnh và video lớn nhất châu Á, được tổ chức trực tiếp lần đầu tiên sau 4 năm. Khách thăm quan có cơ hội được trải nghiệm công nghệ lấy nét tự động mới nhất của Canon.

Một trong những điểm nhấn cho gian hàng Canon là EOS R8, máy ảnh không gương lật full-frame sẽ lên kệ cuối tháng 4. Dù nhỏ gọn, thiết bị trang bị công nghệ lấy nét tự động dựa trên AI, có thể theo dõi các vật thể chuyển động nhanh, từ người, động vật đến xe cộ. Máy có tốc độ chụp 40 khung hình/giây, nhanh nhất dòng máy Canon.

Tuy giá không rẻ, chỉ riêng thân máy đã lên tới 264.000 yen, Canon cho biết họ nhận được nhiều đơn hàng hơn mong đợi. Go Tokura, Phó Giám đốc Bộ phận Hình ảnh của Canon chia sẻ: “Nhu cầu máy ảnh ngày càng cao, không chỉ cho các dịp đặc biệt mà còn có nhiều mục đích, bao gồm quay lại cuộc sống thường nhật”.

Trong khi đó, Sony mở Creator’s Cloud, nền tảng chia sẻ và lưu trữ ảnh, video cho người dùng cá nhân. Công ty sẽ giới thiệu chức năng mới, cho phép mọi người khắp thế giới chia sẻ tác phẩm của mình và kết nối với nhau.

Fufifilm lại tập trung vào video. Tại gian hàng của mình, Fujifilm mang đến máy ảnh không gương lật X-H2S vừa ra mắt tháng 7/2022. Nó có thể xác định côn trùng và drone bằng công nghệ lấy nét tự động học sâu.

Các mẫu máy mới ra đời khi thị trường máy ảnh kỹ thuật số hồi phục từ “vực sâu”. Doanh số máy ảnh kỹ thuật số toàn cầu đạt 2,16 nghìn tỷ yen và 120 triệu đơn vị vào năm 2008. Đến năm 2020, con số giảm tương ứng 93% và 81%, theo CIPA. Song doanh số tăng khoảng 40% tính theo giá trị trong năm ngoái, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng mạnh. Giá bán máy ảnh tăng 6 lần trong vòng 10 năm do các nhà sản xuất tập trung vào phân khúc cao cấp.

Đây là chiến lược đúng đắn của các nhà sản xuất camera. Lợi nhuận gộp mảng sản phẩm hình ảnh của Canon, Nikon và Fujifilm cao nhất trong 7 năm, đạt 220 tỷ yen từ tháng 4 đến tháng 12/2022.

Hiroyuki Ikegami, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh hình ảnh Nikon, nhận xét giới trẻ ngày càng quan tâm đến nhiếp ảnh, tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn, còn người cao tuổi lại bị thu hút bởi những công nghệ mới của máy ảnh không gương lật. Chủ tịch CIPA kiêm Phó Chủ tịch Sony Shigeki Ishizuka cho rằng smartphone đã biến chụp ảnh thành một hoạt động hàng ngày, dẫn đến lượng nhiếp ảnh gia giỏi chuyển hướng sang máy ảnh hoán đổi ống kính tăng vọt.

Các nhà sản xuất Nhật Bản nắm hơn 90% thị phần máy ảnh kỹ thuật số. Dù vậy, ngay cả khi đã hồi phục, thị trường toàn cầu vẫn chỉ bằng 1/3 so với thời kỳ đỉnh cao. Khi smartphone ngày một phát triển, cạnh tranh vẫn là một thách thức lớn đối với các thương hiệu camera.

(Theo Nikkei)