Vượt lên đối thủ

Mercari là một nền tảng “chợ trời” online, chuyên để trao đổi, mua bán đồ cũ tại Nhật Bản. Hiện ứng dụng đã trở thành thị trường trực tuyến C2C (hình thức thương mại điện tử giữa những người tiêu dùng với nhau) lớn nhất tại đất nước mặt trời mọc.

Khi Mercari ra mắt vào năm 2013, Yahoo Auction là web đấu giá trực tuyến lớn nhất tại Nhật Bản đang thống trị thị trường C2C tại thời điểm đó. Tuy nhiên, Yahoo Auction chủ yếu nhắm đến đối tượng trung lưu, tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao như tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ và bất động sản. Yahoo Auction cũng thu một khoản phí khá cao nên việc bán các mặt hàng giá rẻ gần như không mang lại lợi nhuận cho người dùng.

Lúc này, Mercari xuất hiện, tuy nhiên ứng dụng không cố gắng trở thành một phiên bản khác của Yahoo Auction, thay vào đó nhắm vào phân khúc giới trẻ ở độ tuổi đầu 20 thường xuyên sử dụng smartphone, giúp họ có thể bán được các mặt hàng đã qua sử dụng nhanh chóng với nhiều mức giá khác nhau. Sứ mệnh của Mercari là tạo ra giá trị trên thị trường toàn cầu, nơi bất kỳ ai cũng có thể mua và bán với tiêu chí sản phẩm “cũ người mới ta”. Mercari đã mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn để xử lý những món đồ không cần thiết và giúp họ không cần phải vứt bỏ chúng một cách lãng phí.

Mercari là "chợ trời" điện tử nổi tiếng của Nhật Bản.

Chỉ trong một năm rưỡi sau khi ra mắt, Mercari đã có hơn 9 triệu lượt tải xuống với hơn 100.000 lượt tải lên mỗi ngày, trở thành công ty khởi nghiệp kỳ lân đầu tiên của Nhật Bản. Trong năm 2021, Mercari đã ghi nhận hơn 19 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên nền tảng của mình, đạt doanh thu ròng lên tới 106,1 tỷ yên, tổng khối lượng hàng hóa (GMV) đạt 784,5 tỷ yên. Tính đến tháng 5 năm 2022, Mercari có vốn hóa thị trường là 2,56 tỷ USD.

Tạo ra sự tiện lợi cho cả người bán và người mua

Trong khi Yahoo Auction được thiết kế để sử dụng trên máy tính, Mercari ưu tiên người dùng mua và bán qua điện thoại thông minh, điều này đã thu hút được một lượng lớn phụ nữ Nhật Bản và thế hệ trẻ, những người chỉ mang theo điện thoại di động và không sở hữu máy tính cá nhân.

Đã qua rồi thời chụp ảnh trên điện thoại, tải lên máy tính sau đó đăng ảnh trên web. Bộ phận người bán hàng nghiệp dư trẻ tuổi cũng như người mua hầu như hoạt động và giao dịch chỉ bằng smartphone. Nắm bắt được tâm lý này, Mercari đã đẩy mạnh thiết kế ứng dụng phù hợp với giao diện điện thoại. Đây chính là chìa khóa khiến lượt tải xuống ứng dụng tăng vọt trong thời gian đầu - đặc biệt là ở những người dùng điện thoại thông minh trẻ tuổi. Số lượng ngườtải và cài đặt ứng dụng Mercari trên điện thoại tại Nhật Bản phổ biến lên tới 94%.

Bên cạnh đó, Mercari nhận ra rằng thị trường trực tuyến C2C truyền thống chỉ tập trung vào cải thiện trải nghiệm người mua, nhiều khó khăn đối với người bán chưa được giải quyết. Với Mercari, người bán chỉ cần chụp ảnh sản phẩm, điền vào mô tả ngắn gọn trên ứng dụng và ngay lập tức bắt đầu quá trình bán hàng. Tất cả chỉ mất chưa đầy 5 phút. Việc dễ dàng bày bán các mặt hàng trực tuyến đã khiến số lượng hàng hóa tăng lên nhanh chóng, đa dạng từ thời trang, mỹ phẩm, điện tử đến đồ gia dụng,...Hơn nữa, Mercari được sử dụng bởi những người bình thường hơn là những người buôn bán chuyên nghiệp, vì vậy giá cả thường có xu hướng phải chăng phù hợp với túi tiền của nhiều người mua.

Một yếu tố quan trọng khác là giá cả cố định, không giống như các nền tảng đấu giá trực tuyến như Ebay và Yahoo Auction. Giá mặt hàng đã được định sẵn bởi người bán và người mua có quyền lựa chọn mua hoặc không. Điều này làm tăng tốc độ giao dịch, người mua không phải đợi cho đến khi cuộc đấu giá kết thúc để biết liệu mình có thành công trong giao dịch hay không. Do đó, trong khi nền tảng đấu giá trực tuyến coi trọng giá cả, thì Mercari coi trọng sự tiện lợi, nhanh chóng và dễ sử dụng. Bằng cách này, Mercari đã tạo ra được sự khác biệt.

Về vấn đề giao hàng, Mercari hợp tác với Yamato, công ty hậu cần lớn nhất ở Nhật Bản và Bưu điện Nhật để khiến việc giao hàng trở nên rẻ và bớt phức tạp. Người dùng chỉ phải trả một khoản phí giao hàng cố định bất kể khoảng cách, điều này có thể dẫn đến chiết khấu lên tới 69%. Người dùng cũng có thể chọn gửi các mặt hàng của họ tại bất kỳ trung tâm dịch vụ hay các cửa hàng tiện lợi đối tác như 7-Eleven và Family Mart.

Ngoài ra, Mercari cho phép người gửi ẩn danh, không cần tiết lộ địa chỉ và thông tin cá nhân khác cho người mua của họ. Đặc biệt, trong khi các nền tảng thương mại điện tử thường chỉ có mục đánh giá của người mua, Mercari cho phép người bán đánh giá khách hàng. Bằng cách này, thúc đẩy một cộng đồng tin tưởng lẫn nhau.

Đối mặt với nhiều thách thức

Mặc dù Mercari đã tạo ra một cuộc cách mạng trong thị trường C2C, nó cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích, đặc biệt là liên quan đến một loạt các vấn đề đạo đức.

Việc dễ dàng niêm yết có nghĩa là hàng hóa có thể có chất lượng thấp hoặc thậm chí là bất hợp pháp. Các mặt hàng có thương hiệu là những người bán phổ biến trên Mercari, nhưng người mua rất khó xác định tính xác thực của chúng từ những bức ảnh chụp trên điện thoại. Các giao dịch liên quan đến hàng giả thường xuyên xảy ra, để lại cho người mua trải nghiệm thất vọng.

Mercari đã khắc phục vấn đề này bằng cách phát triển Maisonz, một ứng dụng chuyên biệt dành cho các mặt hàng có thương hiệu đắt tiền hơn, tự động đánh giá tính xác thực của hàng hóa thông qua công nghệ nhận dạng hình ảnh tiên tiến. Nó cũng tiến hành truy quét hàng giả thường xuyên và bồi thường cho những người mua bất mãn. Mercari cũng sẽ không thanh toán cho đến khi người mua nhận được hàng, xác nhận và xếp hạng người bán.

Với tham vọng vươn mình ra thế giới, Mercari gia nhập thị trường Mỹ vào năm 2014, nhằm sử dụng thị trường này làm bàn đạp để mở rộng toàn cầu. Công ty đã bổ nhiệm John Lagerling, cựu Phó Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Đối tác Sản phẩm và Di động tại Facebook, đứng đầu mảng kinh doanh tại Mỹ của mình. Tuy nhiên, Mercari phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những người chơi lớn như eBay và Amazon, cũng như các ứng dụng chợ bán đồ cũ như OfferUp, LetGo và PoshMark. Họ đã thiết lập quan hệ đối tác với USPS và FedEx - các dịch vụ vận chuyển ở Mỹ - nhưng không thuận tiện như ở Nhật Bản. Phần lớn thách thức là do chi phí tiếp thị cho việc mở rộng quá lớn.

Hương Dung