Toàn huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) có 2.609 học sinh đang học lớp 3 tại 76 lớp. Theo tính toán, với 4 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, tất cả các trường ở huyện Mèo Vạc cần triển khai 10.640 tiết Tiếng Anh/năm học. Trong khi đó, huyện chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh.

“Bối cảnh rối ren” của huyện vùng cao

Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc chia sẻ: “Mèo Vạc là huyện đặc biệt khó khăn, khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang và là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Điều kiện kinh tế - xã hội như vậy nên dù chúng tôi muốn tuyển người cũng không dễ. Trước đây, huyện có 3 giáo viên dạy Tiếng Anh khối tiểu học, nhưng 2 trong số họ chuyển công tác về vùng xuôi vào các năm 2020, 2021”.

Vấn đề tưởng chừng bế tắc ấy dần được tháo gỡ khi qua các đợt thiện nguyện, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Mèo Vạc đã đề đạt trực tiếp vấn đề với thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) và ngỏ ý nhờ hỗ trợ. Khó khăn nhanh chóng được giải quyết khi Mèo Vạc áp dụng dạy Tiếng Anh trực tuyến (3 tiết/tuần từ điểm cầu Hà Nội hỗ trợ; 1 tiết còn lại do giáo viên duy nhất của huyện Mèo Vạc phụ trách).

“Tôi sững người trước đề nghị của địa phương. Khi đó, tôi không chắc có làm nổi không. Bởi đây là chương trình chính khóa, đã nhận lời phải làm chất lượng và nghiêm túc, không thể hời hợt. Tôi đã suy nghĩ một ngày”, thầy Nguyễn Xuân Khang kể. Và rồi sau khi quyết định nhận lời, thày Khang đã nhanh chóng bàn cách thức triển khai  cụ thể (từ hạ tầng mạng/chất lượng đường truyền, giáo trình và bài giảng, đánh giá trình độ của học sinh cho tới việc lên giáo án cho từng tiết học).

Ngày 12/9/2022, việc dạy học Tiếng Anh trực tuyến nối từ điểm cầu Trường Marie Curie (Hà Nội) đến 18 trường tiểu học xa xôi của huyện Mèo Vạc chính thức bắt đầu. Chi phí cho hoạt động này do Trường Marie Curie hỗ trợ, với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Như vậy, với 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, trường Marie Curie sẽ hỗ trợ dạy trực tuyến 7.980 tiết/năm học 2022-2023 cho tất cả  18 trường tiểu học của huyện Mèo Vạc.

Nếu tính kinh phí Trường Marie Curie bỏ ra trả lương cho 20 giáo viên trực tiếp giảng dạy (160.000 đồng/tiết), nhân với 7.980 tiết thì số tiền sẽ là 1,276 tỉ đồng. Tuy nhiên, tất cả đều… miễn phí khi triển khai dự án cho các trường ở Mèo Vạc. Điều họ nhận lại là những nụ cười cùng sự ghi nhận tấm lòng của chính quyền và người dân địa phương.

Xóa nhòa những khoảng cách

Cô Nguyễn Diệu Linh, giáo viên tham gia dự án, phụ trách dạy tại điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Pù cho hay: “Sau khoảng 1 tháng triển khai, các em học sinh đã dần có sự tiến bộ rõ rệt. Khó khăn ban đầu trong việc đọc các từ vựng đã không còn. Những đoạn hội thoại cơ bản các em đã nắm vững, ngữ pháp cũng được nhiều em nắm khá chắc dù thời gian được học Tiếng Anh chưa nhiều. Nay gần kết thúc học kỳ I, các em đã mạnh dạn hơn, đọc, phát âm tốt hơn, thậm chí nhiều em đã có thể hội thoại, tự giới thiệu về bản thân”.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Giàng Chu Phìn nhận định, việc giúp đỡ của Trường Marie Curie vô cùng ý nghĩa. Học trực tuyến là điều mà trước đây dù muốn cũng không thể làm được.“Từ những bỡ ngỡ ban đầu không chỉ với môn Tiếng Anh mà cả việc học trực tuyến với các thày cô tại Hà Nội, sau một thời gian, những học sinh rất rụt rè trước đây lại chính là các em hứng thú nhất với hình thức học online này. Nhiều ranh giới đã được xóa bỏ”, bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, các em học sinh không chỉ được tiếp xúc, biết thêm về công nghệ thông tin qua việc học trực tuyến mà nhiều bài học bên lề (kiến thức phổ thông, kĩ năng sống/ kĩ năng sinh tồn) cũng được các giáo viên từ Hà Nội chia sẻ. “Những thày cô miền xuôi coi đó như những món quà gửi tới những học trò thân thương nơi đây. Bởi, Hà Giang trong họ là mảnh đất vừa xa xôi lại vừa gần gũi, nơi có thiên nhiên hùng vĩ và những trái tim ấm áp, là mảnh đất địa đầu tổ quốc mà ai cũng muốn một lần đặt chân tới”, bà Tâm xúc động kể.

Đặc biệt, cũng từ dự án này, nhiều cô giáo bộ môn của Mèo Vạc thật thà tâm sự, trước kia cũng chưa nắm hết bảng chữ cái Tiếng Anh hay cách đọc số,nay qua các tiết học cùng học sinh, nhiều giáo viên như được “xóa mù ngoại ngữ”.  Nhờ chuyển đổi số, một trường học ở Hà Nội đã có thể “giải nguy” cho cả một huyện vùng cao. Từ chỗ chỉ có duy nhất một giáo viên, nay học sinh Mèo Vạc không chỉ được dạy đủ chương trình, mà chất lượng các tiết học ngoại ngữ của học sinh Mèo Vạc cũng vô cùng “xịn xò” khiến các huyện khác ghen tị. 

Thanh Hùng

(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)