Giáo dục được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng để triển khai mô hình thanh toán không tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán học phí và các tiện ích khác trong khuôn viên nhà trường. 

Ví điện tử ZaloPay đã hợp tác cùng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM đưa “Canteen không tiền mặt” đi vào hoạt động.

Hiện mọi thanh toán tại căng tin trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM đều đã được số hóa và người dùng hoàn toàn không cần sử dụng tiền mặt khi giao dịch.

Sau khi chọn món ăn, máy sẽ hiện mã QR tổng tiền để khách quét mã thanh toán. (Ảnh: Hải Đăng)

ZaloPay hỗ trợ trường xây dựng hệ thống đặt món trực tuyến qua tài khoản Zalo chính thức của căng tin, song song đó lắp đặt hệ thống máy POS (máy bán hàng chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến) để phục vụ cho việc đặt món tại chỗ.

Có tổng cộng 11 máy POS được đặt trong khuôn viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM ở các khu vực khác nhau phục vụ cho 10 cửa hàng. Sau hơn một tháng triển khai, đơn vị vận hành đã ghi nhận hơn 30.000 lượt thanh toán thành công.

Cụ thể, thầy cô và sinh viên có thể đến máy POS để chọn món, mở ZaloPay quét mã QR thanh toán và nhận hóa đơn; hoặc đặt món từ xa thông qua tài khoản Zalo chính thức của căng tin và thanh toán, sau đó đến máy POS quét QR để in hóa đơn chỉ trong một giây.

Hai cách thanh toán nêu trên đều sử dụng mã QR Code, giúp tiết kiệm tối đa thời gian so với phương pháp đặt món và đợi thanh toán truyền thống.

Phương thức thanh toán này không chỉ giúp tiết kiệm nhân lực và giảm tải áp lực cho đội ngũ nhân viên căng tin trong giờ cao điểm mà còn giúp các cửa hàng dễ dàng trong việc quản lý số lượng đơn mỗi ngày. Đồng thời tiết kiệm thời gian chờ đợi của khách hàng.

Thanh toán bằng QR Code hiện nở rộ tại Việt Nam nhờ chi phí đầu tư rất thấp. Song song đó, sự gia tăng các điểm chấp nhận thanh toán bằng QR Code và nhiều doanh nghiệp, công ty fintech, tổ chức tài chính nhảy vào càng khiến hình thức thanh toán này phổ biến hơn.

Mới đây, MoMo cũng bỏ ra 10 tỷ đồng để thực hiện chương trình ưu đãi nhằm đưa hình thức thanh toán QR Code phổ biến đến nhiều giới khác nhau. Trong hơn 1 tháng, ví điện tử này sẽ tặng quà hiện vật, hiện kim cho những người nhận tiền bằng mã QR trên nền tảng của họ.

Thời điểm này năm ngoái, các chương trình khuyến mại tương tự thường nhắm đến người dùng, song năm nay ví điện tử này mở rộng đối tượng thêm cho chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, hộ kinh doanh, đặc biệt là các shipper, chủ shop online.

Điều này cho thấy nỗ lực đưa mã QR Code vào mọi ngóc ngách của ngành, từ thanh toán cho cân đường hộp sữa đến thanh toán phí giao hàng, và cả các món giá trị lớn như đồ điện tử.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR tăng 86%. 

Số liệu qua nền tảng thanh toán Payoo cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của hình thức này, với mức tăng của quý 3/2022 là 62% về số lượng và 53% về giá trị so với quý 2/2022, bao gồm cả giao dịch qua cổng thanh toán Payoo và thanh toán tại quầy qua Payoo POS.

Cụ thể từng lĩnh vực, các nhóm có tỷ lệ tăng trưởng thanh toán bằng QR mạnh mẽ nhất là nhóm Siêu thị, Cửa hàng tiện lợi, nhóm Thực phẩm, đồ uống và nhóm Công nghệ.

Siêu thị tăng 68% về số lượng và 45% về giá trị so với quý trước. Riêng nhóm F&B tăng đến 79% về số lượng và 90% về giá trị. 

Thanh toán QR mảng Công nghệ quý này bứt phá với giá trị giao dịch tăng gấp đôi ở nhóm các các phẩm điện thoại, laptop và tăng 50% với nhóm các sản phẩm liên quan điện máy. Việc thanh toán bằng QR Code khiến người sử dụng không cần phải dùng thẻ, không cần nhớ thông tin chuyển khoản,… gia tăng sự tiện lợi trong các giao dịch.

Toàn bộ các giao dịch trong Zalo đều do ZaloPay xử lý, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế PCI-DSS và các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Không chỉ dừng lại ở việc thanh toán học phí hay các dịch vụ tại căng tin, đơn vị đang tăng cường làm việc với các trường học để sớm triển khai nhiều tiện ích khác.

Hải Đăng