Sau khi áp dụng biện pháp kỹ thuật và mở thêm dung lượng kết nối trên đất liền thì tình trạng nghẽn từng bước được cải thiện, nhưng có thể bị chậm vào giờ cao điểm.

Mới đây, sự cố xảy ra liên tiếp trên những tuyến cáp quang biển AAG, APG, AAE-1 và IA, trong đó duy nhất có tuyến APG mất kết nối hoàn toàn với các hub là Singapore và Hong Kong. Vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà cả các nước trong khu vực. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT)cho biết, sự cố làm mất kết nối khoảng 75% lưu lượng quốc tế trên các tuyến cáp quang biển. Ngay khi sự việc xảy ra, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo điều phối thực hiện nhiều biện pháp khắc phục.

Doanh nghiệp viễn thông cấp tập mở thêm băng thông quốc tế 

Theo Cục Viễn thông, ngoài việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, các doanh nghiệp viễn thông mau chóng mở thêm dung lượng kết nối trên đất liền mặc dù chi phí rất cao nhằm đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế và quyền lợi người sử dụng. 

Ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc VNPT cho hay, khi sự cố cáp liên tiếp xảy ra, VNPT đã làm việc với các đối tác mở thêm kênh kết nối trên đất liền, đồng thời áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế cho khách hàng. 

Cũng như VNPT, Viettel luôn dự phòng dung lượng đi quốc tế, sẵn sàng cho các tình huống đứt cáp, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ của khách hàng và mở rộng dung lượng quốc tế trên đất liền. "Ngoài ra, khi có hiện tượng cao tải, các hệ thống CNTT do chính nhân sự của Viettel xây dựng sẽ tự động cân bằng tải, định tuyến và điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền”, đại diện Viettel chia sẻ. 

Doanh nghiệp viễn thông chia sẻ băng thông quốc tế

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ, ứng cứu lưu lượng đi quốc tế cho nhau trong lúc khó khăn. Từ ngày 10/2 các doanh nghiệp bắt đầu thực hiện cam kết hỗ trợ ứng cứu lưu lượng. Cụ thể, Viettel đã chia sẻ 100Gbps dung lượng kết nối Internet quốc tế cho VNPT. 

Theo thống kê của hai doanh nghiệp lớn là Viettel, VNPT trong sáng 12/2, lưu lượng sử dụng của khách hàng còn cao. Cụ thể, lưu lượng vào giờ cao điểm của VNPT là 94,95%, còn lưu lượng vào giờ cao điểm của Viettel là 96%. Để giải quyết vấn đề này, VNPT đã bàn với các đối tác để mua thêm dung lượng cáp trên đất liền và đưa vào sử dụng trong 1-2 tuần tới. Phía Viettel cũng tiếp tục đàm phán mua thêm dung lượng tuyến cáp trên đất liền đảm bảo tỷ lệ dự phòng tối thiểu 10%.

Đại diện MobiFone và FPT cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để đảm bảo dung lượng kết nối đi quốc tế. Dung lượng sử dụng lúc cao điểm của MobiFone và FPT đang ở ngưỡng khá an toàn và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Cụ thể, vào giờ cao điểm ngày 12/2 lưu lượng sử dụng của khách hàng của FPT mới chiếm 80% dung lượng đi quốc tế của doanh nghiệp; lưu lượng sử dụng của khách hàng của MobiFone chỉ chiếm 73% dung lượng đi quốc tế của doanh nghiệp. Cùng thời điểm này, lưu lượng sử dụng của khách hàng CMC Telecom chiếm 88,1%% dung lượng đi quốc tế của doanh nghiệp.

Đến nay, với nhiều phương án xử lý, doanh nghiệp đã bù đắp được khoảng 50% dung lượng đi quốc tế. Như vậy, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông từng bước được cải thiện, giải quyết tình trạng mất kết nối, nhưng tốc độ có thể bị chậm vào giờ cao điểm. Trong thời gian chờ khắc phục hoàn toàn sự cố cáp quang biển, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tối ưu, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cải thiện chất lượng, đặc biệt là mở thêm dung lượng kết nối trên đất liền. Đây là sự cố bất khả kháng và Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực xử lý nên rất cần sự sẻ chia của xã hội.