Ngày 4/11, nhiều người dùng nhận được email giả mạo ví điện tử Momo hỗ trợ mùa dịch. Khi vào đường dẫn trang web mà email này đưa tới, người dùng sẽ bị chiếm đoạt tài khoản ví điện tử.

Trao đổi với Zing, đại diện ví điện tử Momo cho biết sự việc này đã xảy ra từ nhiều tháng và vẫn tiếp diễn. "Ví Momo khẳng định hiện công ty không có chương trình 'gói hỗ trợ Covid - chung tay vượt qua đại dịch'", đại diện Momo cho biết.

Thời gian qua, nhiều khách hàng của Momo nhận được email từ địa chỉ momo.mmlive4@gmail.com với nội dung “Cùng chung sức vượt qua đại dịch Covid-19, Momo mở gói cứu trợ trị giá 1 triệu đồng dành cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ ví điện tử. Số tiền sẽ được chuyển trực tiếp đến tài khoản ngân hàng liên kết với ví”.

Từ đường dẫn Google Form mà kẻ gian cung cấp, người dùng được yêu cầu vào trang web hotro.cyou để nhận tiền hỗ trợ. Trang web giả mạo có giao diện tương tự trang đăng nhập của ứng dụng Momo trên di động. Sau khi điền số điện thoại và mật khẩu, trang web yêu cầu người dùng nhập mã OTP từ cuộc gọi của tổng đài Momo.

Nếu người dùng thiếu cảnh giác, cung cấp đầy đủ thông tin đăng nhập và mã OTP cho kẻ gian, tài khoản ví điện tử sẽ bị chiếm đoạt.

lua dao vi momo anh 1
Trang giả mạo ví Momo, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người dùng.

Theo đại diện Momo, nền tảng ví điện tử này không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mã OTP, mật khẩu. Đây là dữ liệu cá nhân của người dùng và chỉ được sử dụng để đăng nhập ứng dụng.

Momo cũng cho biết đã nhiều lần cảnh báo người dùng về thủ đoạn lừa đảo mới qua thư điện tử. Công ty này khuyến nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã OTP đăng nhập trong bất kỳ trường hợp nào.

Trước đó vào tháng 7, người dùng ngân hàng Vietcombank cũng nhận được thư điện từ mạo danh lừa đảo cứu trợ mùa dịch. Cụ thể, nhiều khách hàng của Vietcombank nhận được email từ địa chỉ vietcombank.uudai7@gmail.com với nội dung “VCB xin gửi đến khách hàng gói hỗ trợ Covid là 800.000 đồng. Quý khách truy cập vào link bên dưới để nhận gói hỗ trợ”.

Ngày 26/8, nhiều tài khoản Facebook chia sẻ thông tin sai sự thật, mạo danh ngân hàng Sacombank, thông báo tặng túi thuốc cho bệnh nhân F0. Phía Sacombank khẳng định đây là thông tin giả mạo.

“Hiện nay, mạng xã hội đang lan truyền thông tin việc Sacombank cấp phát 10.000 túi thuốc cho bà con kèm danh sách số điện thoại liên hệ tại các quận huyện. Sacombank xin thông báo đây không phải thông tin chính thống của ngân hàng”, trang chính thức của Sacombank thông báo.

Ngày 29/7, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) cảnh báo hiện có một số trang web lợi dụng tình hình dịch bệnh để giả mạo thông tin các tổ chức nhà nước để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

Trung tâm NCSC đề nghị người dùng Internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn.

NCSC khuyến nghị người dùng Internet cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Các thủ đoạn lừa đảo thường thấy gồm: giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…

(Theo Zing)

Ví MoMo cảnh báo không nên cung cấp mật khẩu và mã OTP

Ví MoMo cảnh báo không nên cung cấp mật khẩu và mã OTP

Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin mật khẩu hay mã OTP trong bất kỳ tình huống nào để tránh bị lừa đảo.