Lời tòa soạn: Các hãng công nghệ lớn đang gặp khó khăn và sa thải hàng loạt nhân sự và họ thừa nhận mọi thứ đang vụn vỡ. Khi các ông lớn công nghệ truyền thống đang sa đà vào các dự án xa vời như vũ trụ ảo, xe tự lái… thì những đối thủ mới âm thầm chuẩn bị và xuất hiện “chọc thủng” phòng tuyến sơ hở nhất. Một số người cho rằng Big Tech sắp đến “ngày tàn”, nhưng sự thật có phải như vậy? VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài phân tích về vấn đề này của các hãng công nghệ lớn để thấy bức tranh toàn cảnh của họ. 

Theo thống kê của Layoffs.fyi, hơn 200.000 nhân viên công nghệ đã bị đuổi việc trong năm 2022 và 2023. Mọi dấu hiệu đều cho thấy thị trường việc làm sẽ ngày càng khắc nghiệt trong phần còn lại của năm nay khi công nghệ bước vào giai đoạn thoái trào. Với phần lớn những người làm trong ngành công nghệ sau thời kỳ 2008 – 2009, đây là lần đầu tiên họ trải qua chuyện này.

Vì sao Big Tech, một trong những thế lực được xem là “miễn nhiễm” trước mọi biến động, lại rơi vào hoàn cảnh này?

Hầu như các hãng công nghệ lớn đều phải sa thải nhân viên trong năm 2022 và 2023. (Ảnh: Forbes)

Để hiểu rõ bối cảnh, hãy cũng quay ngược lại thời điểm Covid-19 bùng phát. Dù ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn cầu, dịch bệnh lại là một trong những yếu tố thúc đẩy công nghệ bùng nổ. Khi buộc phải ở nhà làm việc, học tập, giải trí, mọi người tiêu tốn thời gian và tiền bạc nhiều hơn cho các dịch vụ trực tuyến. Gần như mọi hãng công nghệ, dù lớn hay nhỏ, công hay tư, đều phát triển chưa từng có. Chẳng hạn, Zoom và Snapchat vượt mốc 100 tỷ USD vốn hóa, còn Meta chạm ngưỡng 1 nghìn tỷ USD.

Để phục vụ nhu cầu tăng đột biến, từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, những công ty như Meta, Snap và Google cũng ồ ạt tuyển dụng. Trong một số trường hợp, nhân sự còn gần như tăng gấp đôi chỉ trong một năm. Đây là điều khó tưởng tượng nổi khi họ đã có hàng chục nghìn nhân viên.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn “tiền rẻ” như hai năm trước, Big Tech nắm trong tay số tiền khổng lồ cùng lãi suất vay vô cùng thấp. Với một CEO, dường như rất khó từ chối sức hấp dẫn của mở rộng hơn nữa, tuyển dụng hơn nữa và chi tiêu hơn nữa.

Hóa ra họ đều đang “cưỡi” trên những con sóng tăng trưởng không bền vững. Khi các nước nới lỏng biện pháp hạn chế Covid-19, chính phủ không còn “bơm” tiền như trước và lãi suất tăng cao, tiền không còn “rẻ” nữa. Tất cả những dự án không hiệu quả, biên lợi nhuận thấp hay không có tương lai đều bị đặt vào tầm ngắm.

Big Tech trở về với thực tại, đối mặt với việc đã tuyển dụng quá nhiều, quá nhanh và cổ phiếu công nghệ nằm trong số bị bán tháo trên thị trường chứng khoán. Họ cũng đầu tư số tiền lớn vào những lĩnh vực kinh doanh mới đầy rủi ro. Tất cả hợp lại thành cơn bão lớn “thổi bay” hàng chục nghìn việc làm.

Các đợt cắt giảm nhân sự công nghệ lớn nhất thế giới từ năm 2020 tới nay. (Ảnh: Statista)

Theo nhà sáng lập Layoffs.fyi Roger Lee, con số sa thải thực tế có thể lớn hơn do hầu hết các vụ không được báo cáo. Lee tin rằng hoạt động này chưa thể sớm chấm dứt. Dữ liệu của website chỉ ra những công ty Mỹ đuổi việc nhiều nhất từ năm ngoái tới nay bao gồm: Google (12.000), Meta (11.000), Amazon (10.000), Microsoft (10.000), Salesforce (8.000), Cisco (4.100), Carvana (4.000) và Twitter (3.700). Mới đây, Yahoo thông báo cắt giảm 20% nhân sự năm nay.

Số lượng các vị trí tuyển dụng trong ngành công nghệ cũng giảm gần 30% từ tháng 1 đến tháng 12/2022, trong khi lượng được tuyển giảm 23%, theo công ty nhân sự iCIMS. Lee hi vọng làn sóng sa thải sẽ giảm nhẹ vào cuối năm nếu lãi suất tăng chậm lại. Trong khi đó, Daniel Keum, Phó giáo sư Kinh doanh tại Đại học Columbia, nhận xét nó có thể lan sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi các nhà đầu tư mạo hiểm siết chặt chi tiêu.

Vài lãnh đạo thừa nhận “đọc vị sai” nền kinh tế hậu Covid. Tháng 11/2022, CEO Meta Mark Zuckerberg nói đã nhầm khi nhìn nhận tăng trưởng doanh thu trong dịch bệnh như “trọng lực vĩnh viễn”. Ông cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí như phúc lợi dành cho nhân viên hay diện tích văn phòng. CEO Stripe cũng cho biết đã “quá lạc quan” và liệt kê hàng loạt khó khăn vĩ mô, bao gồm “lạm phát dai dẳng, cú sốc năng lượng, lãi suất cao hơn, ngân sách đầu tư giảm và nguồn vốn khởi nghiệp thưa thớt hơn”.

Dù vậy, Bloomberg nhận định, một số lãnh đạo thực sự “ngớ ngẩn” với các quyết định của mình. Chẳng hạn, startup tập luyện tại gia Peloton đã tăng gấp đôi nhân sự lên khoảng 6.500 người trong năm đầu Covid khi các phòng gym đóng cửa. Chưa đầy 12 tháng sau, CEO tuyên bố thôi việc, còn gần 3.000 nhân viên phải ra đi do doanh số trồi sụt. Zuckerberg rót 10 tỷ USD mỗi năm cho bộ phận vũ trụ ảo (metaverse) để rồi sản phẩm Horizon Worlds chỉ thu hút chưa tới 200.000 người dùng tích cực hàng tháng, tính đến tháng 10/2022. 

Tham vọng dẫn đầu thế giới làm việc từ xa, Salesforce đồng ý mua lại Slack Technologies với giá 27,7 tỷ USD cuối năm 2020 và tuyên bố loại bỏ 8.000 nhân sự trong tháng 1 năm sau, bao gồm cả những người từ Slack. Theo Aaron Terrazas, nhà kinh tế trưởng của dịch vụ Glassdoor, một số đợt cắt giảm nhằm sắp xếp lại ưu tiên kinh doanh, một số khác chỉ đơn giản vì họ đã ra quyết định tồi tệ trong 2 năm đại dịch.

Các hãng công nghệ lớn đang cố miêu tả việc sa thải như dấu hiệu của quản trị có trách nhiệm hơn là thừa nhận mọi thứ đang vụn vỡ. Đó là câu chuyện mà các nhà đầu tư sẵn sàng muốn nghe. Họ đang làm nhiều cách nhằm giảm thiểu tác hại của sa thải đến danh tiếng của mình. Trong nhiều trường hợp, nhân viên bị cho thôi việc được nhận những gói bồi thường hậu hĩnh. Nhân viên Stripe được 14 tuần lương, 6 tháng bảo hiểm y tế, thưởng năm 2022 và cổ phần hào phóng. Stripe vẫn tiếp tục tuyển dụng cho một số lĩnh vực quan trọng như kỹ thuật, quản trị sản phẩm. Động thái này phổ biến tại các hãng công nghệ khác để báo hiệu rằng những thụt lùi gần đây không ảnh hưởng đến triển vọng tương lai.

Bài 2: Những đối thủ “không ngủ yên”

12 tháng, Big Tech Mỹ mất 3.000 tỷ USD

12 tháng, Big Tech Mỹ mất 3.000 tỷ USD

Các hãng công nghệ lớn nhất nước Mỹ không tránh khỏi tác động của các điều kiện kinh tế vĩ mô, địa chính trị căng thẳng trên toàn cầu.