Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đang tích cực xử lý vấn nạn rác viễn thông, trong đó có SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Tuy vậy, trên thị trường vẫn còn tình trạng SIM di động được bán tại các đại lý mà không cần đăng ký. 

Thực tế hiện nay đang có hiện tượng đại lý thuê sinh viên và lao động tự do kích hoạt cả ngàn SIM để bán ra ngoài và đây là những nguồn để đối tượng xấu có thể lợi dụng nhằm phát tán các tin nhắn rác, cuộc gọi rác. 

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về vấn đề này, đại diện nhà mạng MobiFone cho biết, hiện tượng trên đã từng tồn tại trước đây. Tuy nhiên, kể từ khi có thỏa thuận giữa các nhà mạng, trong đó có 3 nhà mạng lớn, các doanh nghiệp đã có biện pháp kiểm soát. 

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Bộ quy định tất cả thuê bao di động đều phải đăng ký chính chủ. 

Các doanh nghiệp viễn thông phải có biện pháp kiểm tra thông tin cá nhân được đăng ký của khách hàng. Tất cả thông tin này sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công An để đảm bảo chủ thuê bao này là chính danh. 

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông. Ảnh: Trọng Đạt

Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, thời gian qua, có thể vẫn còn tình trạng người dân không ý thức được việc bản thân họ lấy thông tin của mình đăng ký thuê bao rồi đưa cho người khác sử dụng, mà không thực hiện các thủ tục sang tên theo đúng quy định.

Sau khi số SIM được đăng ký và đưa cho người khác sử dụng, rất có thể gặp trường hợp người dùng số điện thoại đó không có ý thức và lợi dụng việc này để thực hiện các hành vi vi phạm. Khi cơ quan chức năng tra cứu lại, họ sẽ tìm đến người đăng ký thông tin SIM chính chủ ban đầu. Lúc đó, các cơ quan pháp luật sẽ xử lý nghiêm những đối tượng này.

Do vậy, cần có sự tham gia của các cơ quan truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng để hạn chế hành vi vi phạm này. 

Xác nhận tình trạng đại lý thuê sinh viên và lao động tự do kích hoạt cả ngàn SIM vẫn còn xảy ra, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, hiện có 5.710 cá nhân sở hữu trên 100 SIM, có 261 cá nhân sở hữu trên 1.000 SIM. 

“Các nhà mạng hiện quản lý rất chặt khi bắt buộc chủ thuê bao phải đăng ký thông tin cá nhân, chụp ảnh theo quy định. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng luật không hạn chế cá nhân sở hữu số lượng SIM nên dẫn đến tình trạng một người có thể đăng ký nhiều SIM để bán ra thị trường. Bên cạnh đó, khi người dùng đăng ký thông tin, hình ảnh cá nhân, sau đó bị các đại lý lấy thông tin này đăng ký cho cả thuê bao khác”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói. 

Trên thị trường hiện vẫn còn tình trạng dễ dàng mua SIM kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký thông tin thuê bao. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ TT&TT tiếp tục làm việc với nhà mạng xem xét để đưa ra các chế tài cũng như hành lang pháp lý để xử lý dứt điểm tình trạng trên. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công An để điều tra vụ việc có những SIM được đăng ký kích hoạt rồi đem sử dụng vào mục đích lừa đảo. Thông qua vụ án này, Bộ TT&TT sẽ đưa ra kết luận về trách nhiệm của các nhà mạng, đại lý và cả những người đứng tên đăng ký SIM là hình thức tiếp tay cho các hành vi vi phạm. 

Trọng Đạt