Phát biểu tại buổi ra mắt công ty TNHH Liên Minh Blockchain Việt Nam được tổ chức vào ngày 19/4, ông Nguyên cho biết, các dự án Blockchain hay GameFi (game trên nền tảng blockchain kết hợp với yếu tố tài chính phi tập trung) ở trong nước, sau khi gọi được tiền đầu tư lên đến hàng triệu USD, thì một số người làm sinh hư, cầm tiền đi mua đất, mua nhà… mà không quan tâm đến tiến trình thực hiện dự án đúng như tiến độ được đưa ra nữa. Họ quên mất rằng tiền họ đang cầm là tiền của các nhà đầu tư. 

 

Ông Lê Bảo Nguyên tại buổi ra mắt

“Chủ của các dự án Blockchain và GameFi cần hiểu rằng, khi tiến hành gọi đầu tư thì đây là hình thức cổ phần. Chính vì thế họ cần nhớ là đang nợ tiền của nhà đầu tư, ngay cả tiền bán các NFT cũng vậy, cũng là tiền nợ của những người mua. Nên số tiền đó cần phải được bỏ vào để phát triển dự án, làm ra sản phẩm tốt đem lại lợi nhuận cho những người đầu tư, chứ không phải là đem đi mua đất, mua nhà như một số người đang làm hiện nay. Bên cạnh đó, Blockchain là minh bạch nên các khoản chi tiêu cần được minh bạch hoá để tạo được cộng đồng bền vững và niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Lê Bảo Nguyên nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Quang, CEO của MetaDos, một dự án GameFi sắp ra mắt trong thời gian tới cũng cho rằng, những người làm dự án như công ty ông khi cầm tiền của nhà đầu tư luôn xác định rằng mình đang nợ tiền họ và bản chất của tất cả các dự án đều như vậy.  

“Khi người ta đầu tư tiền vào dự án của mình, mọi người cần nhớ rằng tiền đó là nợ của nhà đầu tư. Và lúc này, tất cả những gì liên quan đến dự án đều có phần của họ. Một số dự án game hiện nay nói tiền bán in-App (vật phẩm trong game) hay bán NFT là tiền của riêng họ, nên được dùng thoải mái là sai. Tiền đó vẫn là tiền nợ của nhà đầu tư, kể cả người chơi bỏ tiền vào chơi game cũng là nhà đầu tư và nó cần được cho trở lại vào thanh khoản, để họ có thể giao dịch thu hồi vốn cũng như sinh ra lợi nhuận”, ông Quang chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Minh Quang, CEO của MetaDos

Sau thành công của Axie Infinity, các dự án Blockchain và GameFi ở Việt Nam bắt đầu nở rộ từ nửa cuối năm 2021 trở lại đây. Hàng trăm dự án đã xuất hiện, rất nhiều trong số đó đã kêu gọi được số tiền đầu tư rất lớn, từ hàng triệu lên tới hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, số dự án được ra mắt và làm thật hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đi kèm với nó là rất nhiều dự án được vẽ ra để lừa đảo (scam), nhiều nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế mất tiền cũng kéo theo mất niềm tin với các dự án trong nước. 

Nếu như trước đây các nhà đầu tư quốc tế xem Việt Nam là thiên đường để đầu tư trong lĩnh vực GameFi, thì giờ đây để thuyết phục họ xuống tiền vào các dự án làm thật là một điều rất khó.  

Cũng chính vì xuất hiện tình trạng các dự án Blockchain nở rộ và đi kèm mặt trái như trên, khiến cho vấn đề hành lang pháp lý cho lĩnh vực này cũng được bàn đến rất sôi nổi ở buổi ra mắt.

Những trao đổi sôi nổi về hành lang pháp lý cho Blockchain 

Theo luật sư Đào Tiến Phong, CEO hãng luật Investpush Legal, việc chưa có hành lang pháp lý ở lĩnh vực Blockchain cũng là cơ hội nhưng đi kèm là rủi ro. Cơ hội là chủ dự án có thể tự do hoạt động để phát triển sản phẩm, nhưng rủi ro ở đây là xuất hiện các dự án lừa đảo (scam), và do chưa có hành lang pháp lý nên các nhà đầu tư không được bảo vệ. Ông Phong cho rằng, hiện Chính phủ cũng đã có các định hướng về phát triển kinh tế số trong thời gian tới, đặc biệt là cơ chế thử nghiệm SandBox, đây được xem là bước “dọn đường” để có hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. 

Còn luật sư Nguyễn Trung Nam, Founder của EPLegal VN, cho rằng, trong lúc chờ đợi các hành lang pháp lý, các dự án cũng như nhà đầu tư trong lĩnh vực Blockchain, nên lựa chọn cách giải quyết các tranh chấp vấn đề này thông qua hệ thống trọng tài quốc tế. Đây được xem là hình thức tạo ra được sự bảo chứng tương đối tốt được các nước trên thế giới áp dụng hiện nay. 

Về vấn đề này ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội Trẻ khoá XV, cho rằng, ông đồng tình với quan điểm đang có vùng xám cho góc độ pháp lý về Blockchain, khi chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ, kể cả chuyên môn lẫn học thuật và tính đồng bộ trong hệ thống luật tại Việt Nam. Theo ông, cần sớm có quy định pháp lý để môi trường này được vận hành, bởi đây là lĩnh vực vừa mới, vừa khó nhưng lại nhiều tiền. Nó mang lại lợi ích khi làm ra nhiều tiền, của cải, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay, nhưng đi kèm với đó cần có các quy định để đảo bảo an toàn, an ninh và công khai minh bạch. 

Lê Mỹ