Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi họp báo.

Chiều ngày 20/9, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua, dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Bộ Nội vụ và một số vấn đề báo chí, dư luận quan tâm. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp báo.

Cùng dự buổi họp báo có ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời báo chí về các nhiệm vụ liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; về giao biên chế năm 2020 cho các bộ, ngành, địa phương; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Kế hoạch số 4312/KH-BNV ngày 09/9/2019 của Bộ Nội vụ thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Liên quan đến việc gần 3.000 giáo viên hợp đồng của thành phố Hà Nội không ai được xét đặc cách, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức cho biết, không riêng gì Hà Nội mà tất cả các địa phương đều phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 39, Nghị quyết số 19 của Trung ương và các quy định pháp luật hiện hành. Với tinh thần chung là không được sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến liên quan đến biên chế giáo viên, giáo viên hợp đồng và Bộ Chính trị đã có văn bản số 9028 chỉ đạo vấn đề này. Theo đó, đối với viên chức đã được tuyển dụng, ký hợp đồng trước năm 2015 trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ và còn chỉ tiêu biên chế, Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định hình thức tuyển dụng phù hợp với tình hình địa phương.

Về việc điều chuyển giáo viên từ cấp học cao xuống cấp học thấp cũng là một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể những vướng mắc trong việc chuyển đổi đối với giáo viên, đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với vị trí việc làm đối với cấp học đó.

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên tại các địa phương năm học 2018-2019, ông Nguyễn Văn Lượng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 05 tỉnh Tây Nguyên.

Về biên chế của các địa phương sau khi tiến hành khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị thuộc khối đảng với chính quyền, các địa phương báo cáo Bộ Nội vụ điều chuyển biên chế từ khối chính quyền sang khối đảng, trên cơ sở tổng số biên chế giao cho địa phương không thay đổi.

Về Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ cho ý kiến, tuy nhiên, do còn nhiếu ý kiến khác nhau, Ban Cán sự đảng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, sắp tới sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, quyết định.