VNPT Hà Nội khẳng định, mới đây đã tiến hành thanh thải định kỳ để làm gọn mạng cáp trong hệ thống hạ tầng ngầm và không liên quan đến quá trình thương thảo giá thuê hạ tầng với các đơn vị như FPT, CMC, VTVcab, SCTV, Hanoi Telecom.

Ngày 8/7/2019, ICTnews nhận được thông tin của các doanh nghiệp phản ánh về việc khoảng 10 giờ sáng ngày 8/7/2019, Viễn thông Hà Nội đã thực hiện cắt cáp của một loạt doanh nghiệp ở vị trí cống bể cáp xã hội hóa mà VNPT làm chủ đầu tư tại khu vực phố Đào Tấn, Hà Nội. Theo phản ánh, có ít nhất 6 doanh nghiệp viễn thông bị phía đơn vị con của VNPT cắt cáp lần này là FPT, CMC, VTVcab, SCTV, Hanoi Telecom và Intercom. Các doanh nghiệp cho rằng, sự việc xảy ra trong quá trình các bên đang đàm phán về giá thuê hạ tầng mới mà VNPT Hà Nội đưa ra có cao hơn khoảng 4 lần so với mức giá cũ.

“Chúng tôi tiến hành thanh thải cáp trong bể cống của mình”

Trả lời ICTnews liên quan đến sự việc trên, VNPT Hà Nội cho biết, công tác quản lý hạ tầng mạng lưới trong đó có hạ tầng cáp ngầm trên các tuyến phố Hà Nội là một công việc được VNPT Hà Nội và các đơn vị trực thuộc thực hiện thường xuyên, định kỳ để đảm bảo nâng cao chất lượng mạng, đảm bảo an toàn thông tin. Theo đó, VNPT Hà Nội và các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến cáp đi trong hệ thống cống bể, tiến hành thanh thải những đường cáp không xác định hoặc không còn giá trị sử dụng.

Trong quá trình kiểm tra mạng lưới và rà soát trên toàn địa bàn, VNPT Hà Nội thấy có hiện tượng nhiều đường cáp không xác định, cáp lạ tồn tại trong hạ tầng ngầm do VNPT Hà Nội đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, VNPT Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản thông báo tới các đơn vị có khả năng sử dụng hạ tầng ngầm của VNPT Hà Nội để phối hợp rà soát, kiểm đếm và ký kết hợp đồng nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của mạng lưới và an toàn thông tin.

VNPT Hà Nội cho biết, tháng 4/2019, đã có công văn báo cáo Sở TT&TT Hà Nội về việc hiện nay đang tồn tại các tuyến cáp không xác định trong hệ thống cống bể của VNPT Hà Nội và thông báo kế hoạch thanh thải các tuyến cáp không xác định. Văn bản đồng thời đã được gửi tới các đơn vị có khả năng đang sử dụng hạ tầng kỹ thuật của VNPT Hà Nội.

Ngày 8/7/2019, Trung tâm viễn thông 4, đơn vị trực thuộc VNPT Hà Nội thực hiện thanh thải cáp theo định kỳ tại khu vực phố Đào Tấn là nằm trong hoạt động thường xuyên của đơn vị.

“Chúng tôi vẫn đang đàm phán về giá thuê với các doanh nghiệp”

Trả lời ICTnews về cơ sở giá thuê cống bể cáp mới cao hơn mức giá hiện hành, đại diện VNPT Hà Nội cho hay, năm 2016, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, VNPT Hà Nội là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng các tuyến xã hội hoá bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Tổng số tuyến xã hội hoá VNPT Hà Nội được giao đầu tư chiếm 35% tổng số các tuyến xã hội hoá toàn thành phố.

Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, VNPT đã đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để xây dựng các công trình ngầm trên nhiều tuyến phố, đồng thời thực hiện hạ ngầm cáp tại các tuyến phố này, góp phần hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, chỉnh trang đô thị, hướng tới một Hà Nội văn minh, sạch đẹp.

Là một doanh nghiệp, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng theo chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội, VNPT Hà Nội cũng phải đảm bảo khai thác hiệu quả hạ tầng, thu hồi vốn trong thời gian sớm nhất. Do đó, song song với việc tiếp tục xây dựng hạ tầng tại các tuyến phố đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, VNPT Hà Nội cũng xây dựng đơn giá cho thuê hạ tầng tại các khu vực hạ tầng đã hoàn thiện.

“Đơn giá này được xây dựng theo đúng hướng dẫn tại Nghị định 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012, Thông tư liên tịch 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của liên bộ Tài  chính – Bộ Xây dựng – Bộ TTTT về việc hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình kỹ thuật sử dụng chung; Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố về việc ban hành quy chế thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (cống cáp, hào, tuy nen kỹ thuật) trên địa bàn thành phố”, đại diện VNPT Hà Nội nói.

Theo VNPT Hà Nội, đến nay, một số doanh nghiệp đã ký kết với VNPT Hà Nội như: Viettel Hà Nội, Telnet, EVN Hà Nội – ICT, Intercom... Một số doanh nghiệp khác vẫn đang trong quá trình thương thảo. Với các doanh nghiệp đang thương thảo, trong tháng 5, 6/2019, VNPT Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi thảo luận chung để có thể sớm đi đến thống nhất, đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

“Việc thực hiện thanh thải, làm gọn mạng cáp sử dụng hạ tầng  trong hệ thống hạ tầng ngầm là việc được thực hiện định kỳ, thường xuyên và không liên quan đến quá trình thương thảo giá thuê hạ tầng với các đơn vị. Hiện nay, đối với những đơn vị chưa ký hợp đồng thuê hạ tầng nhưng có cáp đi trong hạ tầng của VNPT Hà Nội đã ký biên bản xác nhận, chúng tôi vẫn thực hiện quản lý cáp như các đơn vị đã ký hợp đồng, đồng thời tiếp tục đàm phán để thống nhất ký hợp đồng thuê và cho thuê hạ tầng lẫn nhau. VNPT Hà Nội luôn sẵn sàng hợp tác bình đẳng, trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa của các doanh nghiệp”, VNPT Hà Nội khẳng định.

Trước sự việc này, mới đây Sở TT&TT Hà Nội đã có văn bản để nghị VNPT Hà Nội điều chỉnh mức giá cho thuê hạ tầng cho phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp dùng chung, đồng thời tạm dừng việc cắt cáp của các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình. Sở TT&TT Hà Nội cũng đề nghị VNPT Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình sử dụng chung hạ tầng đảm bảo an toàn an ninh thông tin và đảm bảo chỉ tiêu chất lượng dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố.