Xác định cơ chế tài chính cho việc ứng dụng công nghệ mới

Chia sẻ tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2019, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, để tiếp cận các ứng dụng mới trong ngành y tế, Bộ  rất quan tâm đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành thông qua một số hoạt động như nghiên cứu các thành tựu về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng trên thế giới để từ đó xây dựng các hướng dẫn, kế hoạch ở Việt Nam. Từ đó, Bộ Y tế sẽ xây dựng Đề án ngành Y tế Việt Nam chủ động tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông minh trong phòng, chữa bệnh và quản trị y tế. 

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế phối hợp với một số tập đoàn, doanh nghiệp, công ty công nghệ trên thế giới để ứng dụng, thử nghiệm các ứng dụng y tế nhân tạo ở Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với IBM triển khai IBM Watson for Oncology tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để hỗ trợ điều trị, chẩn đoán bệnh ung thư. Hiện giải pháp này đã được áp dụng ở Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. 

Theo Cục trưởng Cục CNTT- Bộ Y Tế Trần Quý Tường, sau 1 năm, việc triển khai AI trong việc chữa trị ung thư tại bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã đem lại những kết quả tích cực.

Theo ông Tường, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, sau 1 năm triển khai đã cho kết quả ban đầu rất tốt, nhiều bệnh nhân thực hiện theo phác đồ cũ hiệu quả kém nhưng khi dùng phác đồ mới kết hợp trí tuệ nhân tạo đã có sự tiến bộ rõ rệt. Bệnh nhân từ tình trạng nằm liệt giường nay có thể đi lại và sinh hoạt bình thường sau đợt điều trị. 

Dù kết quả thu được rất tích cực, nhưng ông Tường cho rằng, Bộ gặp một số khó khăn nhất định khi ứng dụng CNTT trong việc khám chữa bệnh như cơ chế tài chính. Cụ thể, khi ứng dụng công nghệ mới Trí tuệ nhân tạo sẽ phải trả phí nhưng phí đó tính giá thành như thế nào? "Bộ Y tế lúng túng trong việc này vì đang thí điểm nên chưa tính giá, hoặc mang tính tượng trưng nhưng khi triển khai đồng loạt thì phải xác định giá cụ thể", ông Tường nói. 

Sau khi đã xác định giá, Bộ sẽ phải xác định cơ chế tài chính cụ thể, chẳng hạn như đối tượng chi trả khoản phí này: bảo hiểm y tế hay người dân chi trả, nhà nước hỗ trợ hay miễn phí... Do các bệnh viện đều có cơ chế tự chủ nhưng hiện vẫn chưa cho họ thu tiền CNTT, đầu tư công nghệ chủ yếu từ các nguồn tiết kiệm của bệnh viện, từ các quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp của đơn vị nên chưa bền vững. "Bộ đã báo cáo Chính phủ và được sự đồng thuận cao là sẽ xây dựng giá thành CNTT Y tế vào trong giá dịch vụ, có như vậy thì CNTT trong Y tế mới có thể phát triển bền vững được", ông Tưởng khẳng định. 

Xây dựng trung tâm dữ liệu để làm cơ sở phát triển trí tuệ nhân tạo

Trao đổi với ICTnews, ông Tường cho biết, hiện Bộ Y tế chưa có dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng đây là bài toán mà Bộ cũng như các doanh nghiệp phải vượt qua. Trong thời gian qua, Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (Vingroup) muốn xây dựng trí tuệ nhân tạo trong việc chẩn đoán hình ảnh. Để có dữ liệu hình ảnh của các bệnh viện, Viện nghiên cứu dữ liệu lớn đã phối hợp với Cục CNTT (Bộ Y tế) xây dựng các chuẩn kết nối và thuyết phục các bệnh viện lưu trữ và truyền tải dữ liệu đó theo chuẩn kết nối về Cục, rồi từ đó cùng với Viện xây dựng trí tuệ nhân tạo. 

Việc xây dựng trung tâm dữ liệu để từ đó phục vụ triển khai trí tuệ nhân tạo sẽ được Bộ Y tế thực hiện trong thời gian tới.

Bộ Y tế đã có các văn bản quy phạm pháp luật bao gồm Thông tư 46 và Thông tư 54, quy định các bệnh viện ứng dụng CNTT theo quy chuẩn, triển khai Bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Trên cơ sở đó, các bệnh viện phải lưu trữ những dữ liệu bệnh án của người dân, hồ sơ của người dân vào trung tâm dữ liệu. Ngay cả các bệnh viện cũng mong muốn Bộ Y tế có trung tâm dữ liệu để bệnh viện sao lưu, gửi dự phòng.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng đề án đầu tư trung tâm dữ liệu và giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành. Bộ Y tế kỳ vọng năm 2020-2021 sẽ hoàn thành trug tâm dữ liệu và có số liệu thống kê toàn ngành trên cả nước theo thời gian thực. "Hiện phần mềm và kỹ thuật đã xong, chủ yếu phụ thuộc ý chí con người và sự đồng thuận xã hội. Chúng tôi rất ý thức được dữ liệu lớn là điều kiện để xây dựng trí tuệ nhân tạo", ông Tường kết luận.