"Tôi có bông cải xanh, cơm chiên xúc xích, thịt bò hầm, sữa đậu nành và nước cam tự làm cho bữa trưa", Cheng kể về bữa ăn giàu dinh dưỡng của mình.

Người phụ nữ này vừa mới được ra viện, nhưng vẫn đang tự cách ly trong căn hộ của cô.

Tính đến hết ngày 23/2, dịch Covid-19 đã cướp mạng sống của hơn 2.442 người và lây nhiễm cho gần 77.000 trên toàn Trung Quốc, theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia nước này. Trong số này có hơn 1.850 ca tử vong ghi nhận ở Vũ Hán, tâm dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) với 76% tổng số bệnh nhân.

Cuộc chiến sinh tử ở tâm dịch Covid-19 Vũ Hán
Tình nguyện viên tới một khu dân cư ở quận Jiang'an của Vũ Hán, hôm 9/2. (Ảnh: Tân Hoa xã) 

Ngày 23/1, hai ngày trước Tết Nguyên đán, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp giới hạn đi lại ở Vũ Hán, thành phố hơn 10 triệu dân và là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tất cả các phương tiện vận tải công cộng, gồm xe buýt, phà và tàu điện ngầm đã dừng hoạt động, với các tuyến khởi hành từ sân bay cũng như ga tàu ở thành phố bị đình chỉ.

Thành phố dường như tê liệt, với phố xá vắng tanh, nhà hàng và khách sạn không bóng người, cũng không còn những đám đông tụ tập đón mừng năm mới. Nhưng ở một số nơi lại đông đúc bất ngờ: bệnh viện.

Bị đau họng và ho nhiều ngày trước đó, Cheng bị sốt vào đúng ngày phong tỏa. Chụp CT cho thấy cô có thể đã nhiễm virus corona. Ngay hôm sau, cô vội đến bệnh viện làm xét nghiệm axit nucleic. "Bệnh viện chật cứng bệnh nhân", Cheng nhớ lại và cho biết cô phải chờ 10 tiếng mới biết kết quả. Đó là "dương tính".

Hôm sau, đúng ngày Tết, lại là sinh nhật đứa con trai 9 tuổi của Cheng. "Tôi chẳng còn tâm trạng nào mà vui mừng", người mẹ này nhớ lại. Không thể ở bên con vì sợ lây bệnh, cô hát "chúc mừng sinh nhật" con trai qua một đoạn video chat.

Tình trạng sức khỏe của Cheng xấu đi ít hôm sau đó, sốt cao liên tục, khó thở, đau nhức cơ bắp và thậm chí rơi vào hôn mê. Cheng buộc bản thân uống 5 lít nước mỗi ngày và uống thuốc theo đơn. Cô khát khao sống, liên tục quay số đường dây nóng với hy vọng được nhập viện, nhưng sự giúp đỡ mà cô nhận được không nhiều bởi có quá nhiều bệnh nhân đang chờ một giường trống. "Tôi vừa mệt vừa buồn vì dường như chẳng còn hy vọng", cô bày tỏ.

Đúng hôm Tết, người cha 91 tuổi của Chang Kai bắt đầu sốt và khó thở. Gia đình đưa cụ đến bệnh viện nhưng không còn giường nào trống. Chang - một đạo diễn làm việc ở Hãng phim Hồ Bắc - đã nhờ bạn bè giúp đỡ nhưng mọi cố gắng dường như vô ích. Gia đình rơi vào tuyệt vọng.

"Trong sự đầu hàng thầm lặng, chúng tôi đưa cha già trở về nhà và chăm sóc ông như cơ hội cuối cùng để thể hiện lòng hiếu thảo. Ông đã qua đời ít ngày sau đó, trong nỗi tức giận", Chang viết trong một bài viết có tựa đề "Những lời cuối cùng của Chang Kai".

Gia đình đạo diễn Chang bị ảnh hưởng nặng. Mẹ của ông cũng chết vì Covid-19 trong vòng một tuần và hai vợ chồng ông bị nhiễm bệnh. "Chang được đưa vào Bệnh viện Wuchang đầu tháng 2 nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê", Li Yang, một đồng nghiệp của đạo diễn, kể lại. Cuối cùng, ông đã qua đời này 14/2. Chị gái của ông cũng chịu chung số phận.

"Tôi đã hiếu thảo như một đứa con trai, có lương tâm như một người cha, tận tụy như một người chồng và chân thành với những người khác trong suốt cuộc đời mình. Vĩnh biệt những người tôi yêu quý và những người yêu quý tôi", Chang viết những lời cuối cuộc đời.

Vợ của Chang hiện đang được điều trị ở Bệnh viện Jinyintan và đã được chuyển ra khỏi khu chăm sóc đặc biệt hôm 19/2. "Tôi phải cố gắng hết sức để sống tiếp", bà nói với Li Yang trong một tin nhắn WeChat.

Thảm kịch gia đình đạo diễn Chang giống như một mảnh nhỏ trong một bức ghép thực tế vô cùng nghiệt ngã, phản ánh cuộc chiến sinh - tử đang diễn ra ở Vũ Hán trước dịch bệnh chết chóc Covid-19.

Một quyết định khác biệt

Việc đóng cửa một thành phố lớn như Vũ Hán do tình trạng khẩn cấp về y tế là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Kể cả khi các nhà máy ở hầu hết các vùng khác ở Trung Quốc từng bước hoạt động trở lại và người dân quay lại với công việc, Vũ Hán vẫn "tê liệt" trong nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cuộc chiến sinh tử ở tâm dịch Covid-19 Vũ Hán
Một người giao hàng ở Vũ Hán ngày 22/2. (Ảnh: THX)

"Do dân số lớn, dịch bệnh có thể dễ dàng gây tác động nghiêm trọng đến hệ thống y tế. Thực tiễn những gì xảy ra ở Vũ Hán đã kiểm chứng điều này. Nếu không ngăn chặn kịp thời sự lây lan của virus thì sẽ dẫn đến đại dịch toàn cầu", Tân Hoa xã dẫn lời cảnh báo của Tang Bei, một nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải.

Hầu hết mọi người bắt đầu cảm thấy sức ép của đợt bùng phát vào cuối tháng 1, nhưng nhiều tuần trước, các chuyên gia ở Vũ Hán bắt đầu cảm thấy tác động của nó.

Qin Lixin, Trưởng khoa X quang tại Bệnh viện Phổi Vũ Hán, nói rằng trường hợp Covid-19 đầu tiên tại bệnh viện được ghi nhận hôm 3/1 nhưng không khơi dậy đủ sự thận trọng vì mùa đông vốn vẫn là mùa cảm cúm thông thường.

"Chúng tôi bát đầu lo khi ngày càng có thêm bệnh nhân đến bệnh viện khoảng một tuần sau đó", ông Qin nói.

Khi Feng Xiang ở Bệnh viện Tâm thần Vũ Hán hay tin virus có thể lây từ người sang người, ý nghĩ đầu tiên trong đầu ông là "không có đủ giường bệnh". "Tôi là một bác sĩ, và tôi biết số giường cách ly ở Vũ Hán còn lâu mới đủ. Các đồng nghiệp của tôi ở các phòng khám sốt nói khá là hãi khi chứng kiến bệnh viện chật kín bệnh nhân".

Tiêm vaccine và giảm tiếp xúc xã hội là hai cách duy nhất hiệu quả để ngăn chặn virus lây nhiễm, theo chuyên gia Tang Bei. "Biện pháp đầu tiên đến nay chưa có. Xem xét tỷ lệ lây nhiễm cao và số lượng lớn người tiếp xúc gần ở Vũ Hán lúc đó, không thấy có cách nào tốt hơn là cấm đi lại và giảm dòng người di chuyển".

Những con số mới nhất cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 nói chung trên toàn Trung Quốc ngoại trừ Hồ Bắc là khoảng 0,7%. Ở Vũ Hán, con số này là 4%. Trên toàn cầu, dịch bệnh đã xuất hiện ở gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Con số trên cho thấy việc phong tỏa Vũ Hán giúp giảm bớt đáng kể sự lây lan virus ra bên ngoài thành phố", ông Tang nói. "Quyết định ở Vũ Hán không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc mà còn tạo được thời gian quý giá để cộng đồng quốc tế ngăn chặn virus lan xa hơn".

Cuộc chiến sinh tử ở tâm dịch Covid-19 Vũ Hán
Kiểm tra nhiệt độ cơ thể ở một khu chung cư Vũ Hán. (Ảnh: Tân Hoa xã) 

Thực tế không chỉ Vũ Hán mà hầu như tất cả các thành phố ở Hồ Bắc đều áp dụng các biện pháp tương tự, cấm hoặc hạn chế sự đi lại, chẳng hạn như Xiaogan và Jingzhou, nơi dịch bệnh cũng ở mức nghiêm trọng.

Mất mát và thiệt hại lớn

Những mất mát và thiệt hại mà dịch bệnh gây ra đến nay là rất lớn. Bên cạnh người dân bình thường, hơn 1.700 y bác sĩ đã bị lây nhiễm Covid-19, với ít nhất 10 người đã tử vong.

Li Wenliang, 34 tuổi, là một bác sĩ nhãn khoa của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, qua đời ngày 7/2 vì virus quái ác này. Anh là một trong những người đầu tiên thu hút sự chú ý của dân chúng về virus corona chủng mới và bị nhiễm bệnh khi đang làm việc.

Liu Zhiming, lãnh đạo bệnh viện Wuchang, cũng bị lây bệnh khi đang nỗ lực chống dịch. Ông qua đời hôm 18/2.

Các nạn nhân xấu số của Covid-19 còn bao gồm quan chức chính phủ, học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, các giáo sư đại học, nhà vô địch thể hình, người lao động về hưu, tài xế taxi và những người trong nhiều ngành nghề khác.

Ngày 11/2, Vũ Hán ra thông báo mới và đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt, yêu cầu tất cả các cộng đồng dân cư phải đóng cửa để giảm thiểu dòng người di chuyển. Cứ mỗi 3 ngày, một gia đình chỉ có một người được ra ngoài một lần, và các siêu thị không phục vụ khách hàng cá nhân.

Trung Quốc đã cử tổng cộng hơn 30.000 y bác sĩ, trong đó có nhiều nhóm tinh hoa, đến trợ giúp Vũ Hán. Trong số họ có 11.000 chuyên gia chăm sóc tích cực.

Tính đến 19/2, số bệnh viện dã chiến phục vụ chữa trị bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán đã tăng lên con số 45, với sức chứa hơn 19.160 giường.

Cuộc chiến sinh tử ở tâm dịch Covid-19 Vũ Hán
Ảnh: Tân Hoa xã

Thành phố này cũng đã kiểm tra kỹ lưỡng hơn 3.300 khu dân cư và làng mạc để đảm bảo mọi bệnh nhân được xác nhận hoặc nghi ngờ đều được xác định địa chỉ. Để trấn an dân chúng và giải tỏa lo sợ, Vũ Hán mở hai đường dây nóng hoạt động 24/24, tại Bệnh viện Zhongnan Đại học Vũ Hán và Hiệp hội Tư vấn tâm lý Hồ Bắc.

Giới chức Vũ Hán cũng thuê 6.000 taxi để phục vụ việc đi lại cấp thiết của người dân và cung cấp dịch vụ thực phẩm, thuốc men cũng như chữa trị y tế khẩn cấp.

Cheng Chuchu đã được ra viện hôm 11/2. "Tôi nghĩ những gì tôi vừa trải qua chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng, nhưng nó đã thực sự xảy ra. Tôi sẽ không bao giờ quên và từ giờ trở đi sẽ luôn vui tươi đón chào mỗi ngày mới".