Đó là một ngày kỷ lục về sự tồi tệ. Các tình nguyện viên làm việc tại Trung tâm cộng đồng quận Vũ Xương nằm tại trung tâm thành phố Vũ Hán đã nhận khoảng 9.600 cuộc gọi tới đây để yêu cầu sự giúp đỡ. Và không phải ai gọi tới đây cũng đều nhận được thứ họ cần.

Một số người gọi là bệnh nhân đang hoảng loạn hoặc thân nhân của họ đang mong được nhập viện. Một số khác gọi tới để trút nỗi đau và sự bất lực qua điện thoại, trong khi các tình nguyện viên đang cố gắng hết sức nhằm kết nối họ với các dịch vụ y tế.

“Một số người gọi điện tới đây rất tức giận, họ la hét và khóc lóc trong tuyệt vọng. Lúc ăn trưa, chúng tôi chỉ biết nhìn vào suất ăn của mình và ngồi im lặng”, SCMP trích lời tình nguyện viên Liu Xiaofeng nói.

Áp lực lớn tới nỗi không có lời nào có thể miêu tả nổi, và một số người muốn rời khỏi công việc này. Những người này nói với Liu rằng, họ thà được cử đi ra ‘tiền tuyến’ chống dịch còn hơn ngồi đây nhận điện thoại.

Cuộc sống của các tình nguyện viên y tế trong ‘tâm dịch’ Vũ Hán
Áp lực công việc với các tình nguyện viên chống dịch tại Vũ Hán là vô cùng lớn. Ảnh: SCMP

Cảm giác bất lực lớn và Liu không phải hoàn toàn thích ứng được với nó. Bà nhớ lại một trường hợp, khi bà không thể giúp đỡ một gia đình liên tục yêu cầu trợ giúp qua các cuộc điện thoại, và rồi các cuộc gọi từ gia đình đó ngừng lại. Vài ngày sau, gia đình này lại gọi tới, nhưng là để mong có lực lượng y tế tới đón người thân vừa mới mất của họ.

Các trung tâm cộng đồng như nơi Liu làm việc là một phần ‘phòng tuyến’ chính phủ Trung Quốc lập ra nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng khắp nơi. Chính quyền trung ương đã huy động nhiều nguồn lực vào việc chống dịch, nhưng họ vẫn cần tới lực lượng tình nguyện viên và hàng chục ngàn nhân viên y tế được gửi tới Vũ Hán để cứu càng nhiều bệnh nhân càng tốt.

Đối với công việc tình nguyện, Liu không thấy làm lạ. Từ năm 1976 khi còn đang học cấp hai, Liu đã yêu cầu được tới giúp sức tại nhiều bệnh viện gần quê nhà, sau khi trận động đất Đường Sơn năm đó đã khiến 240.000 người thiệt mạng và 160.000 người khác bị thương. “Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường và tôi tin rằng chúng ta nên giúp đỡ người khác bất cứ khi chúng ta có thể”, bà nói.

Tình nguyện viên Chen Xingxu tới từ Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung cũng tới vùng dịch để giúp đỡ người khác. Anh này đã sử dụng các mối quan hệ cá nhân của mình để giúp cho nhiều người bạn bị nhiễm bệnh của mình được nhập viện. Hồi đầu tháng trước, Chen đã tập hợp hàng trăm tình nguyện viên từ khắp Trung Quốc, và thành lập ra Nhóm hỗ trợ Vũ Hán 520.

Nhóm này tìm kiếm trên mạng xã hội những ai cần sự giúp đỡ, xác minh tình trạng của bệnh nhân sau đó báo lại cho các bệnh viện và văn phòng chính quyền.

“Chúng tôi không sợ bị từ chối. Chúng tôi gọi tới tất cả các số máy của chính quyền và các cộng đồng mà chúng tôi có thể tìm được nhằm kêu gọi sự giúp đỡ. Chúng tôi nói với họ rằng, chúng tôi là tình nguyện viên và chúng tôi có bệnh nhân ở đây, sau đó trình bày hoàn cảnh bệnh nhân”, anh Chen nói.

Y tá Li Hongyan làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Nam Kinh đã tới Bệnh viện số Một Vũ Hán vào hôm 17/2 vừa qua. Cô là một trong hơn 40 bác sĩ và 160 y tá được cử tới bệnh viện này. Lo ngại sự thiếu hụt về trang thiết bị y tế, họ nhét đầy balô các găng tay, khẩu trang, chất khử trùng, vitamin, thậm chí cả tã cho người lớn và xà phòng.

Cuộc sống của các tình nguyện viên y tế trong ‘tâm dịch’ Vũ Hán
Y tá Li Hongyan đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Ảnh: SCMP

Dù Li có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc các bệnh nhân nguy kịch về sức khỏe, nhưng với bệnh nhân Covid-19 thì mọi việc hoàn toàn khác. Mỗi ca làm việc chỉ bốn tiếng mỗi ngày, nhưng việc mặc đồ bảo hộ y tế cũng mất khá nhiều thời gian. Mỗi khi bước vào khu chăm sóc đặc biệt, các nhân viên y tế phải đội hai mũ y tế, hai khẩu trang, kính y tế, đồ bảo hộ, hai găng tay và giày.

Trong nhưng ngày đầu làm việc tại đây, các tình nguyện viên cảm thấy khó thở, kính y tế luôn bị che mờ và vết khẩu trang hằn trên mặt họ. Và cũng bởi dành nhiều thời gian với bệnh nhân, nên nguy cơ nhiễm bệnh của các y bác sĩ là rất lớn.

“Thường thì chúng tôi sẽ phải chạy vội tới chỗ bệnh nhân nếu họ đang trong tình trạng nguy kịch. Nhưng tại đây, chúng tôi không được làm thế bởi nếu chạy gấp sẽ có thể khiến bộ đồ bảo hộ bị rách”, cô Li nói.

“Chúng tôi thấy có nhiều ca cả gia đình phải cách ly, nhưng các thành viên không biết người thân họ đang ở đâu. Chúng tôi có một cụ ông hơn 90 tuổi sắp xuất viện. Mỗi ngày ông ấy đều hỏi chúng tôi về vợ ông. Chúng tôi biết vợ ông ấy ở đâu đó trong khu chăm sóc đặc biệt, nhưng chúng tôi sợ sẽ phải báo tin buồn cho cụ, nếu vợ cụ nằm trong số các bệnh nhân tử vong”, cô Li nói thêm.

Công việc tình nguyện viên tại vùng dịch bệnh luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Một tình nguyện viên tên là He Hui chuyên làm nhiệm vụ giao thuốc tới các bệnh viện, đã tử vong vì nhiễm virus corona hồi đầu tháng Hai. “Chúng tôi đang dò dẫm qua sông từng bước một. Nhưng một khi bạn đã tới đây, bạn có lẽ phải rất dũng cảm, nếu không thì bạn chỉ tự làm bản thân mình thấy sợ hãi”, anh Chen nói.