Đây là không phải là vấn đề riêng của gia đình chị Vân dịp Tết năm nay. Nhu cầu tiền lẻ mới, mệnh giá 10 ngàn đồng, 20 ngàn đồng, 50 ngàn đồng và 100 ngàn đồng vào những ngày Tết trong dân chúng rất lớn vì đây là tiền dùng để lì xì lấy may đầu năm cho người thân, họ hàng, bạn bè.

Nhiều người đã đổ tại Ngân hàng Nhà nước không in tiền lẻ dịp Tết. Tuy nhiên, đây là sự hiểu lầm do không được thông tin đầy đủ, bởi Ngân hàng Nhà nước chỉ tuyên bố không in tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10 ngàn đồng dịp Tết nguyên đán 2019, và đây là năm thứ sáu liên tiếp ngành ngân hàng thực hiện việc này.

Đổi tiền lẻ

Nhiều nhân viên ngân hàng năm nay cũng không đổi tiền lẻ hộ người thân

Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao năm nay việc nhờ người trong ngân hàng đổi giúp tiền lẻ lại khó khăn hơn những năm trước? Anh Nguyễn Minh Tiến, nhân viên một ngân hàng thương mại lớn ở Hà Nội cho biết một phần vì người dân đã biết đến ngân hàng có dịch vụ đổi tiền lẻ nhiều hơn nên ngân hàng ưu tiên cho khách, một phần khác do có một số người nắm bắt được nhu cầu lớn trong dân nên đã tranh thủ "gom hàng" từ ngân hàng từ cuối năm 2018 (dương lịch). Tất nhiên, giá đổi tiền qua cầu này đắt hơn so với ngân hàng.

Có thể thấy đổi tiền lẻ tuy nhờ người quen làm ở ngân hàng tuy khó, nhưng chỉ cần một chú nhấp chuột là có thể đổi được bao nhiêu tiền, mệnh giá bao nhiêu tùy ý. Sẽ có người đưa tiền đến đổi tận nhà. Phí đổi tiền mệnh giá 10 ngàn đồng đắt hơn, tầm 10%, tức đổi 1 triệu đồng tiền lẻ bạn phải trả cho dịch vụ chợ đen là 1,1 triệu đồng. Phí đổi tiền mệnh giá 20 ngàn đồng và 50 ngàn đồng thấp hơn, khoảng 5-8%, trong khi phí đổi mệnh giá 100 ngàn đồng là 5%.

Tuy nhiên, mức phí đổi tiền dịch vụ chợ đen biến động từng ngày tùy theo nhu cầu thị trường. Mặc dù hoạt động đổi tiền chợ đen là hành vi bị cấm nhưng do người dân rất ngại đến ngân hàng vào những ngày sát tết do phải chờ đợi quá lâu. Chỉ khi phải rút tiền nhiều hoặc cây ATM không đáp ứng được nên mới phải đến ngân hàng, chứ ít người đến ngân hàng chỉ để đổi hai, ba triệu đồng tiền lẻ. Với số tiền đổi hạn chế như vậy, người dân tặc lưỡi chấp nhận đổi ngoài chợ đen dù phí cao hơn, nhưng nhanh chóng hơn. Không ai biết được rằng, đổi tiền không đúng quy định sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Và có lẽ đến nay chưa ai bị phạt vì việc này.

Ngoài các mệnh giá phổ biến nói trên để mừng tuổi, thì các loại tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1 ngàn đồng, 2 ngàn đồng, 5 ngàn đồng bị áp phí đổi tiền cao ngất ngưởng, lên đến 300%. Đáng lưu ý là số tiền mệnh giá loại này muốn đổi nhiều cũng khó, và đều là tiền đã qua lưu thông chứ không phải tiền mới do từ sáu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã dừng phát hành tiền mới.

Những loại tiền mệnh giá thấp như vậy người dân thường để dùng đi lễ chùa đầu năm. Tuy nhiên, với việc nghĩ rằng phải dâng tiền giọt dầu đầy đủ ở tất cả các ban thờ mới là thành kính và có linh nghiệm là hoàn toàn sai lầm. Không bao giờ những tờ tiền lẻ đó đổi lấy được sức khỏe, giàu sang, thành đạt.

Cha ông ta xưa thường nói "Phật từ trong tâm". Chỉ cần một đồng tiền gọi là giọt dầu dâng lên ban Tam bảo và luôn giữ cho tâm sáng, hướng thiện, từ bỏ tham lam, đố kị chính là tấm lòng thành kính nhất của chúng ta khi đi lễ chùa.