"Đợt này nghỉ chơi dài bạn ạ, vì đến cả khách Hàn Quốc giờ cũng giảm trông thấy rồi. Trước dịch mỗi tuần chỉ dám cho nhân viên nghỉ 1 ngày vì khách đông, mà nay ngày nghỉ còn nhiều hơn ngày đi làm", anh X. Lượng, một hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng chia sẻ.

Theo anh Lượng, công ty lữ hành nơi anh làm việc hụt mất khoảng 50% lượng khách so với thời điểm trước dịch. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hàn Quốc, khiến khách Hàn sụt giảm mạnh.

Lữ hành "ốm nặng" vì dịch

Công ty của anh Lượng hay nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam khác đang ghi nhận thời kỳ khó khăn chưa từng có khi hàng chục năm trở lại đây. Những năm gần đây, du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng và đạt trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2019.

Khach san, hang lu hanh lai dieu dung vi khach Han Quoc giam do dich hinh anh 1 Khach_Han.jpg

Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự lo ngại của du khách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho du khách lo ngại khiến cho ngành du lịch đã bị đình trệ và ảnh hưởng rất lớn.

"Có những sản phẩm, có những thị trường du lịch đã bị ngừng lại toàn bộ như tour Trung Quốc hoặc những sản phẩm dành cho khách Trung Quốc sang Việt Nam. Những thị trường khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Khi ngành du lịch bị ảnh hưởng thì chúng tôi những đơn vị lữ hành chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Hoan nói.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc và 4,3 triệu lượt khách Hàn Quốc tới Việt Nam, chiếm tới 60% nguồn khách quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, nói rằng khi dịch bệnh chưa bùng phát, khách Hàn Quốc chiếm 50% thị phần Đà Nẵng. "Tuy nhiên, theo số liệu từ các công ty lữ hành thì lượng khách Hàn Quốc đã giảm tới 65-70%. Hiện tại, hầu như không còn khách đoàn của nước này đến Đà Nẵng trong vài ngày qua", ông Nguyễn Xuân Bình nhận định.

Việc cả hai nguồn khách lớn cùng suy giảm đã tác động lớn tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành Việt. Hàng loạt doanh nghiệp lớn cho biết chắc chắn không thể hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2020 dù giờ mới là cuối tháng 2.

Cũng với tư cách là lãnh đạo một công ty lữ hành lớn tại Hà Nội, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ doanh nghiệp của ông đang đối mặt với nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Ngoài khó khăn về sụt giảm nguồn khách, ông Hoan cho hay thiệt hại của doanh nghiệp còn đến từ việc tất cả những sản phẩm dịch vụ đã đặt cọc, đã thanh toán với nhà cung cấp vẫn bắt buộc phải giải quyết.

"Có những nhà cung cấp dịch vụ sẵn sàng chia sẻ nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ chưa thực sự sẻ chia. Bởi vì có những lý do chưa thể coi là bất khả kháng", ông Hoan nói.

Chia sẻ với Zing.vn, TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho hay việc mất cùng lúc hai thị trường số 1 và số 2 cũng như mất nhiều thị trường khách quốc tế khác, trong khi thị trường nội địa cũng giảm mạnh nhu cầu, ngành du lịch Việt đang ở thế "gay go".

Cũng theo ông Nam, đây là hệ quả của việc ngành du lịch Việt đã phụ thuộc quá lớn vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc trong thời gian dài và không thể sớm đa dạng hóa nguồn khách bằng những giải pháp ngắn hạn.

"Đa dạng hoá nguồn khách quốc tế cần một chương trình đồng bộ nhiều năm, không thể có kết quả chỉ bằng một vài giải pháp ngắn hạn. Đây là điều ngành du lịch đã nói, đã đề xuất các giải pháp vài chục năm nay rồi nhưng chưa làm được", ông nói.

Khách sạn, hàng quán cũng chịu trận

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hoà Bình, cho biết diễn biến dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của đơn vị ở cả 3 mảng lữ hành, khách sạn và vận tải.

Lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam và từ Việt Nam sang Trung Quốc gần như không có. Đối với các thị trường khác, tính cả du lịch nội địa, lượng khách giảm 80%.

Khach san, hang lu hanh lai dieu dung vi khach Han Quoc giam do dich hinh anh 2 zing_hq1.jpg

Việc giảm phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc cần nhóm giải pháp đồng bộ trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Ảnh: Shutterstock.

Trong tháng 3, công ty đã lên kế hoạch đưa trên dưới 20 đoàn khách, mỗi đoàn 40 người đến các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Tây Âu. Tuy nhiên, đến nay, bà Hoa Lệ chia sẻ đã có khoảng 10 đoàn thông báo hủy tour. "Đối tác của chúng tôi đang có ý định hủy tiếp nữa do lo ngại tình hình những ngày qua", bà nói.

Đặc biệt, chuỗi khách sạn ở Phú Quốc của doanh nghiệp giảm đến 90% lượng khách, số khách còn lại đa phần là nội địa hoặc khách đi công tác chứ không phải du lịch.

"Xe và tàu biển ở Phú Quốc của chúng tôi cũng giảm 70% lượt khách. Dịp Tết vừa qua đưa ra Phú Quốc 50 chiếc xe nhưng chỉ hoạt động được khoảng 5 ngày trước Tết, sau đó hầu như không được dùng đến", bà bày tỏ lo lắng.

Trước những tình huống này, bà Hoa Lệ cho biết công ty buộc giảm giá mạnh để kích cầu: "Vé tàu và xe giảm 35-40%, còn giá phòng khách sạn 4 sao hiện cũng chỉ còn 800.000 đồng/đêm".

Trong khi đó, dù không chia sẻ số liệu thống kê cụ thể nhưng đại diện khách sạn Park Hyatt Saigon (quận 1, TP.HCM) cũng khẳng định lượng khách đặt phòng ở đây giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ hủy đặt phòng cũng tăng lên.

Tại Hà Nội, cộng đồng những người làm du lịch homestay cũng đang lao đao vì dịch. Hàng loạt các chủ homestay phải rao sang nhượng mặt bằng kinh doanh vì không có khách. Hiện tại, khách hủy phòng liên tục do lo ngại dịch Covid-19, từ đó khiến doanh thu của nhiều homestay gần như không có, dù chi phí mặt bằng phải trả trước nhiều tháng.

"Bọn mình gần như mất trắng tháng 2 và tháng 3, cũng chưa biết mấy tháng tới ra sao. Giờ bọn mình vẫn cố gắng bám trụ vì được chủ nhà thông cảm, giảm tiền thuê để hỗ trợ nhưng nếu dịch không hết sớm, e rằng cũng phải nghỉ làm", theo N. Anh, chủ một homestay tại Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.

Một số nhà hàng phục vụ các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời gian qua cũng ghi nhận lượng khách sụt giảm rõ rệt. Chuỗi nhà hàng Tokyo Deli mới đây đã triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí với toàn bộ menu.

Còn hệ thống Gogi House gồm các thương hiệu GoGi, Manwah, Ashima, Hutong, Kichi-Kichi cũng truyền thông mạnh mẽ về các chương trình khuyến mãi và dịch vụ giao hàng trong vòng 60 phút.

Trước tình trạng thực khách lo ngại lây lan dịch bệnh, chuỗi nhà hàng này khẳng định các dụng cụ ăn uống đều được tiệt trùng ở nhiệt độ cao, còn bàn ăn, tay nắm cửa liên tục được sát khuẩn. Thực khách đến ăn được cung cấp nước rửa tay diệt khuẩn miễn phí, riêng nhân viên nhà hàng cũng đeo khẩu trang và rửa tay 15 phút/lần.