Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1836/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở hợp nhất 5 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng.

Theo Cổng thông tin lamdong.gov.vn, 5 trung tâm y tế được hợp nhất gồm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội.

Việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng nhằm thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

b1-lam-dong-hop-nhat-5-trung-tam-y-te-du-phong.jpg

Vừa qua ngày 29/8/2019 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1836/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở hợp nhất 5 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng (ảnh minh họa, nguồn: lamdong.gov.vn).

Toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và số lượng người làm việc của 5 Trung tâm nói trên được chuyển giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/10/2019.

Trong Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có đặt ra các chỉ tiêu cụ thể.

Đối với lĩnh vực y tế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, định hướng là thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác...

Về tổng thể đến năm 2021, phấn đấu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.

Đến năm 2025 phấn đấu tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; có tối thiểu 20% (bằng 10.426) đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2030 phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% (bằng 166.349) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.