Phòng CSGT Hà Nội đề xuất lắp đặt thêm camera ở nhiều tuyến phố, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội ô tô VN bày tỏ:
 
“Chúng ta cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì lực lượng CSGT không thể giăng hết ngoài đường để xử phạt.

Ngoài ra việc phạt nguội qua camera cũng tránh tiêu cực giữa người vi phạm và người xử phạt ngoài đường”, ông Thanh nói.
 
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia đánh giá, việc Hà Nội và các địa phương lắp camera giám sát trật tự an toàn giao thông là rất tốt.

Để phạt nguội qua camera giám sát, các trang thiết bị phải chính xác, được kiểm định và vận hành bởi những người được huấn luyện.

Ngoài ra, trong Nghị định 46 cũng cho phép, không chỉ thiết bị của CSGT mà camera của các cơ quan chức năng khác được kiểm định tốt thì vẫn có thể dùng làm căn cứ để phạt nguội.

Theo luật hiện hành, để phạt nguội cần 4 thông tin: thời gian, địa điểm, biển số và hành vi vi phạm. Khi thu thập đủ 4 điều kiện trên thì có đủ căn cứ để tiến hành phạt nguội.

Lắp thêm camera, nếu không làm điều này CSGT Hà Nội khó phạt nguội
Hiện nay nhiều tuyến phố Hà Nội đã lắp camera giám sát giao thông và tiến hành phạt nguội   

Đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, phạt nguội vi phạm giao thông là xu thế chung, nhiều nước trên thế giới đã làm.

Tại Úc, CSGT ngoài đường rất ít mà họ chủ yếu giám sát và xử lý vi phạm qua hệ thống camera trên đường.
 
Phạt nguội đừng để chủ xe “tá hoả”
 
Phó chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia lưu ý, về nguyên tắc thông tin vi phạm phải được gửi đến chủ sở hữu phương tiện để họ biết. Tránh tình trạng khi bị từ chối đăng kiểm, chủ xe mới biết xe vi phạm chưa nộp phạt.
 
“Nhiều nước trên thế giới quy định rất chặt chẽ trong thời gian bao lâu thì phải thông báo lỗi để người ta biết và ý thức không vi phạm nữa.
 
Ở nước ta có tình trạng có nhiều người không nhận được giấy báo vi phạm do quá trình mua bán, sang tên đổi chủ còn phức tạp. Điều này gây khó khăn cho việc phạt nguội qua camera giám sát”, ông Minh nêu thực tế.
 
Về tình trạng nhiều chủ phương tiện không sang tên đổi chủ, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp quyết liệt buộc chủ phương tiện mua bán, cho tặng phải thực hiện việc này.

Ngoài ra, nếu thấy việc đánh thuế mua bán phương tiện còn cao thì cần giảm xuống để tạo điều kiện cho người dân giao dịch mua bán sang tên. 

“Nhiều người mua bán, cho tặng xe ngại sang tên, đổi chủ do sợ bị đánh thuế cao. Do vậy, nhà nước có thể nghiên cứu giảm thuế để khuyến khích người mua bán xe chủ động sang tên”, ông Thanh nói.

Quy trách nhiệm chủ xe
 
Để phạt nguội qua camera hiệu quả, ông Minh cho rằng, về lâu dài phải sớm sửa luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chúng ta đang xử phạt theo nguyên tắc ai vi phạm thì xử phạt người đó, trong khi thế giới phạt chủ sở hữu nên khi bán, tặng phương tiện cho người khác chủ xe phải chủ động sang tên.
 
“Phải nắm chủ sở hữu thì mới phạt nguội được, nếu không sẽ rất khó. Tôi lấy ví dụ, tôi có một cái xe cho rất nhiều người mượn. Người mượn vi phạm khi gửi giấy phạt nguội dễ gây ra tranh cãi: phạt người vi phạm chứ không thể phạt chủ xe.

Một xe có nhiều người mượn và người mượn chối thì không phạt được”, ông Minh nêu thực tế.
 
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, có nhiều lý do được đưa ra để chống chế phạt nguội như: Chủ xe nêu lý do tôi không đi xe, phải tìm người điều khiển xe vi phạm để phạt.

Do vậy cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quy định bắt buộc chủ phương tiện chỉ ra người nào mượn xe, điều khiển vi phạm. Tình huống cuối cùng vẫn phải quy trách nhiệm đối với chủ xe, có như vậy thì mới nghiêm được.

Ông cũng nói rõ, phạt nguội qua camera ngoài ý thức tự giác của người tham gia giao thông thì các cơ quan chức năng phải phối hợp xử lý quyết liệt mới thực sự hiệu quả. Nếu không, những tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ bị vô hiệu hoá, chúng ta sẽ đi lùi, tụt hậu.