Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 19-NQ/TW "Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" ngày 25-10-2017, tỉnh Yên Bái đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện.

Theo báo cáo của bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Yên Bái đang từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước (khoảng 925 tỷ đồng trong 3 năm); phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Yên Bái đã giảm được 405 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, bằng 25,52% so với tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015, trong đó giảm 42 cơ quan, đơn vị khối Đảng, đoàn thể; 363 cơ quan, đơn vị khối Nhà nước; đồng thời sắp xếp lại Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Yên Bái cũng đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, giảm bộ máy biên chế quản lý.

Bên cạnh đó Yên Bái cũng đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; thực hiện phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định, trong đó phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm sự quản lý thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Yên Bái còn đẩy mạnh cải cách hành chính, thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động từ ngày 8/6/2018, đồng thời bố trí biên chế chuyên trách tại cơ quan văn phòng cấp ủy - chính quyền cấp huyện sau sáp nhập và chuẩn bị tốt các điều kiện để đưa bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện tại 9/9 huyện, thị, thành phố đi vào hoạt động liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh từ ngày 1/4/2019.

Một kết quả quan trọng hơn được thực hiện đó là đẩy mạnh thực hiện chế độ tự chủ, xã hội hóa đối với một số ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế. Yên Bái đã hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tập trung triển khai thực hiện cổ phần hóa 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, sắp xếp lại mô hình hoạt động công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kinh doanh, khai thác và quản lý Chợ Mường Lò.

Yên Bái cũng ban hành Đề án "Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo hướng tự chủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025". Qua đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện bảo đảm tự chủ tài chính bình quân năm 2018 khoảng 70%; năm 2019 có 8/20 đơn vị tự chủ tài chính 100%.

Yên Bái đẩy mạnh xã hội hóa y tế ở các cơ sở y tế công lập của tỉnh bằng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp triển khai xây dựng các trung tâm khám bệnh, điều trị chất lượng cao với tổng số vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 189 cơ sở y tế ngoài công lập, với tổng số vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo mới đây, ở Yên Bái các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện bảo đảm tự chủ tài chính bình quân năm 2018 khoảng 70%, năm 2019 có 8/20 đơn vị tự chủ tài chính 100%, toàn tỉnh hiện có 189 cơ sở y tế ngoài công lập (ảnh minh họa, nguồn: yenbai.gov.vn).

Trong Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có đặt ra các chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó đến năm 2021, phấn đấu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.

Đến năm 2025 phấn đấu tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; có tối thiểu 20% (bằng 10.426) đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.