Bởi một thực tế, cha mẹ vẫn phải đến công ty như bình thường hơn nữa dịch bệnh lây lan nguy hiểm nên các con cũng không được phép ra ngoài chơi với bạn bè, nhốt các con trong 4 bức tường mãi cũng đâu có được. Và biện pháp mà nhiều cha mẹ nghĩ đến là dạy con cách tổ chức lại cuộc sống cá nhân và gia đình từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh cá nhân, lên kế hoạch học tập và đi chơi.

Anh Nguyễn Quốc Triều (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Bạn Bốp con trai mình đang học lớp 1 được nghỉ học vì dịch Covid 19 nhưng vẫn phải học online. Ý tưởng để bạn ấy học làm món trứng rán bắt đầu từ một bài tập mà cô giáo chủ nhiệm gửi về.

Đó là một bài tập đọc với nội dung hướng dẫn bé làm món trứng luộc ngon. Tuy nhiên bạn Bốp lại không thích ăn món trứng luộc mà lại thích món trứng rán nên đã nhờ ba hướng dẫn cách làm món trứng rán. Sau 1 lần hướng dẫn, không ngờ bạn ấy lại tự mình có thể làm món trứng rán khá thuần thục khiến ba mẹ ngạc nhiên”.

Bạn Bốp (con trai anh Quốc Triều) tự vào bếp với món trứng rán.
Anh Quốc Triều cũng cho hay: “Mình nghĩ hướng dẫn con vào bếp như rán trứng, luộc trứng, nấu mì... có sự giám sát của người lớn cũng là cách giúp con sớm thành thạo làm việc nhà vừa "cách ly" được những trò chơi điện tử, ti vi, điện thoại”.

Dịch Covid diễn biến khó lường, các con chưa có lịch đi học lại nên việc nghĩ cách giúp các con tránh lệ thuộc vào tivi, Ipad là điều cần thiết. Mỗi người sẽ có một cách hướng con thoát ra khỏi tivi, hoạt hình, điện thoại theo cách khác nhau như chơi thể thao, chơi trò chơi, học nấu các món đơn giản.

Bé Bốp thích thú làm món trứng rán theo hướng dẫn của ba.

Tiến sĩ Tâm lý học Phạm Khánh Huyền Anh – Đại học sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: “Chúng ta hãy coi thời gian các con nghỉ chống dịch Covid – 19 là cơ hội để các con trải nghiệm trước hết là tự phục vụ bản thân.

Bố mẹ Việt thường mắc sai lầm là chiều con quá, tôi thấy có những phụ huynh con học lớp 5 rồi nhưng sáng lo bữa sáng cho con, trưa lại tranh thủ từ cơ quan về nấu nướng cho con ăn…nói chung cha mẹ phục vụ con tận răng tạo cho trẻ khái niệm ỷ lại, không vận động và chỉ muốn người khác phục vụ”.

Theo tiến sĩ Huyền Anh, khoảng thời gian các con đi học, cả ngày ở trường, tối về đi học thêm, xong đêm lại làm bài tập nên có thể bố mẹ không dạy được con các kỹ năng nấu nướng, ăn uống, tắm giặt, phơi đồ, phục vụ bản thân vì cũng không có thời gian.

 

Nhưng khoảng thời gian nghỉ này là lúc các con phải lớn, phải trưởng thành với các kỹ năng cơ bản.

Cha mẹ đừng suy nghĩ theo kiểu “con xem ti vi cũng được, nghiện điện tử cũng được miễn là chúng ngoan ngoãn ở yên trong nhà”.

Đó là quan điểm sai lầm, chúng ta có nhiều cách để trẻ ngoan ngoãn ở trong nhà mà tự trẻ lại hình thành các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Bố mẹ có thể dạy con từ từ một số việc đơn giản tùy theo độ tuổi. Nếu được nghỉ, các con phải tự phục vụ bữa sáng bằng mì gói, bánh mì bơ, bánh mì kẹp trứng, thịt.

Hoặc cùng con xây dựng kế hoạch cho một ngày, có thể dành bao lâu cho việc đọc sách, giúp mẹ dọn nhà, phơi đồ, tự làm bữa trưa, ôn bài, xây dựng kế hoạch đi chơi nếu hết dịch…

Khi đi làm về bố mẹ có thể trò chuyện, hỏi xem cả ngày con đã làm được những gì và hiệu quả ra sao? Nếu có thời gian, bố mẹ lại dạy con nấu những món mới đơn giản để con có thể thực hành vào hôm sau và quan trọng là chú ý đến việc an toàn khi sử dung bếp…

Nếu con làm tốt bố mẹ hãy động viên bằng việc thưởng cho con một món đồ nhỏ con thích hay khích lệ bằng lời nói để con cố gắng hơn…