Mặc dù Mỹ và Triều Tiên chưa đạt được những thoả thuận chi tiết về việc loại bỏ vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore hồi năm ngoái, nhưng sau khi tới Hà Nội, ông Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng ông dành toàn bộ tâm sức cho chính sách ngoại giao cá nhân với ông Kim.

Vào cuối năm ngoái, ông Trump cho biết hai nhà lãnh đạo đã "yêu quý nhau" và đêm trước khi trở về nước sau hội nghị thượng đỉnh, ông nói rằng hai người đã phát triển "một mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp."

Tại hội nghị lần này, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là liệu hai nhà lãnh đạo có thể đạt được những tiến bộ trong việc loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng - việc đe doạ đến Mỹ, nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp này hay không.

Sáng ngày 27/2, ông Trump đã nhắc đến nhà lãnh đạo Triều Tiên trên trang Twitter:

"Việt Nam đang phát triển mạnh như một số nước trên thế giới. Triều Tiên cũng sẽ như vậy và sẽ đi lên với tốc độ rất nhanh, nếu nước này thực hiện phi hạt nhân hoá. Tiềm năng đối với người bạn Kim Jong Un của tôi là rất tuyệt vời, một cơ hội rất lớn, không như những gì đã diễn ra trong lịch sử. Chúng ta sẽ biết sớm thôi - Rất thú vị!"

 Ông Trump dành lời khen ngợi Việt Nam và gọi ông Kim Jong Un là người bạn - Ảnh 1.

Ông Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là "người bạn".

Theo thông tin từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc gặp riêng khoảng 20 phút vào lúc 18 giờ 30 ngày hôm nay tại khách sạn Metropole, sau đó là một bữa tối cùng các phụ tá. Vào ngày mai (28/2), ông Trump và ông Kim sẽ tổ chức "nhiều cuộc họp trao đổi". Tuy nhiên, địa điểm của cuộc họp này vẫn chưa được công bố.

Ngoài ra, ông Trump cũng nhắc đến các lãnh đạo đảng Dân chủ: "Đảng Dân chủ nên ngừng nói về những gì tôi nên làm với Triều Tiên, thay vào đó hãy tự hỏi tại sao họ không làm "việc đó" trong suốt 8 năm của chính quyền Obama."

Tại Singapore, hai bên đã cam kết sẽ cùng nỗ lực thực hiện phi hạt nhân hoá và hoà bình vĩnh viên trên Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh từ cuộc xung đột năm 1950-1953 và được kết thúc bằng một thoả thuận ngừng bắn, không phải là hiệp ước. Cuộc gặp tại Singapore đã diễn ra với kết quả tốt đẹp nhưng không có thoả thuận chi tiết nào về cách tháo dỡ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được đưa ra.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng áp lực sẽ ảnh hưởng đến cả hai phía khi đưa ra thoả thuận về các biện pháp cụ thể tại sự kiện lần này, đây sẽ là những bước đi cụ thể mà Triều Tiên sẽ thực hiện để từ bỏ vũ khí hạt nhân và Mỹ sẽ nhượng bộ như thế nào. Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ không cam kết dỡ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Trí thức trẻ/Reuters