Sáng 30/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng họp để xử lý vụ Phó bí thư Huỳnh Văn Sum ký quyết định duyệt chi gần 1 tỷ đồng lắp camera nhà lãnh đạo. Trước sự phản ứng của dư luận, những thành viên dự họp đánh giá việc chi tiền từ ngân sách Đảng để lắp camera là chưa phù hợp nên thống nhất thu hồi quyết định do ông Sum ký.

"Ban Thường vụ tiếp thu ý kiến của báo chí với tinh thần cầu thị. Cụ thể là thống nhất thu hồi quyết định, hoàn trả tiền ngân sách, nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này", ông Lâm Văn Mẫn, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng nói.

Không cần công an theo dõi bảo vệ

Ba ngày qua, người dân miền Tây đặc biệt quan tâm đến việc Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký quyết định chi gần 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng để lắp camera cho tất cả cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban này gồm 16 người, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu có nhà riêng ở An Giang.

Ngoài ông Sáu, người còn lại có nhà ngoài tỉnh Sóc Trăng là Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng. Theo ông Quang, nhà riêng của những cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là mục tiêu bảo vệ, phòng chống khủng bố nên lắp camera. Tuy nhiên, Đại tá này không lắp camera bằng tiền ngân sách Đảng vì nhà riêng ở Hà Nội.

"Nhà tôi có gắn đâu, ở Hà Nội mà. Ở đây là địa phương nên làm, mình ở thủ đô thì lắp làm gì. Chúng tôi đã lắp camera trên chục tuyến đường. Điểm nào liên quan đến an ninh quốc gia thì phải lắp để bảo vệ", Đại tá Quang nói.

Trước cổng nhà một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ở huyện Kế Sách có gắn 2 camera. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhà không xa như Đại tá Quang nhưng ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã từ chối lắp camera từ đề án của Văn phòng Tỉnh ủy. Theo ông Hiểu, trước đây gia đình đã lắp camera ngoài cổng nhà bằng tiền cá nhân và không cần công an theo dõi để bảo vệ nên mạnh dạn từ chối.

Tương tự, Bí thư Thành ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Quận cũng không đồng ý gắn camera quanh nhà theo đề án của Văn phòng Tỉnh ủy. Theo vị Bí thư Thành ủy, ngoài tính chất riêng tư của gia đình, ông không cần công an phải gắn camera bảo vệ vì như vậy sẽ làm mất đi sự gần gũi với hàng xóm.

Giữ lại camera để bảo vệ an ninh khu phố

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thống cho biết trước nhà ông ở khu dân cư 586 (TP Sóc Trăng) có lắp 4 camera từ đề án của Văn phòng Tỉnh ủy. Ngoài màn hình trong nhà để gia đình quan sát, ông Thống cho biết còn có màn hình đặt tại bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ của Công an Sóc Trăng để theo dõi.

"Họ gắn camera mấy tháng rồi và doanh nghiệp nào gắn tôi cũng không biết. Camera vừa theo dõi nhà vừa phục vụ chung cho hàng xóm", ông Thống nói.

Cùng quan điểm, ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng, cho biết sẽ xuất tiền túi trả lại ngân sách để giữ lại 10 camera quanh nhà. Trong đó, có một số camera lắp ngoài đường sẽ góp phần bảo vệ an ninh khu phố nơi gia đình ông sinh sống tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề.

Camera hướng vào cổng nhà một cán bộ ở Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Dương Sà Kha, có 12 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng lắp camera xung quanh nhà riêng. Bốn người không lắp là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu và Giám đốc Công an Sóc Trăng Lê Minh Quang.

Trao đổi với PV, Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum cho biết việc lắp camera nhà lãnh đạo không phải là căn cứ để truy xét ai đó nhưng là điều kiện để nhận dạng tội phạm. Ông Sum lấy ví dụ liên quan đến chuyện vợ ông bị giật dây chuyền, nhờ camera đã kiểm tra được biển số xe để bắt hung thủ.

"Lắp camera không phải căn cứ để bắt người ta mà làm căn cứ đánh giá, nhận dạng, phân loại đối tượng", vị phó bí thư nói.

Theo Zing.vn