Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát triển chỉ đạo Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ngày 9/5/2019.

Sẽ có Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Mở đầu bài phát biểu chỉ đạo Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức hôm nay, 9/5/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 ấn tượng của ông với Diễn đàn, đầu tiên là bài phát biểu của người đứng đầu ngành TT&TT đã nêu ra rất nhiều ý tưởng khái quát, đặt ra những vấn đề rất lớn.

Thủ tướng cũng ấn tượng với tiết mục đồng ca “Việt Nam ơi” mở đầu Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 50 người, thể hiện một khát vọng Việt Nam phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp công nghiệp nước nhà; cùng triển lãm nhỏ quy tụ nhiều doanh nghiệp gồm cả những doanh nghiệp lâu năm, doanh nghiệp mới, quy mô khác nhau nhưng đã cho thấy những thành công bước đầu của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

“Tôi cũng rất ấn tượng những bài phát biểu quan trọng của Tiến sĩ Choi Youngrak CHOI, Viện Chính sách KH&CN Hàn Quốc, ông Eric Sidgwick từ ADP, ông Nguyễn Xuân Thành từ Đại học Fulright, ông Nguyễn Đức Chung – người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở Thủ đô. Rất nhiều bài phát biểu của các doanh nghiệp hôm nay đã nêu ra những kinh nghiệm, cũng như những vướng mắc, kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức sâu sắc. Có thể nói, Chính phủ, các Bộ trưởng, các cơ quan của Quốc hội có mặt ở đây lắng nghe và xử lý được những kiến nghị này sẽ là một bước thành công để giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho biết, kết thúc Diễn đàn, ông sẽ giao lại vấn đề này cho Bộ trưởng TT&TT làm Chỉ thị hay một Chiến lược, một Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019 làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ phát triển. Trong đó, sẽ cụ thể hóa lộ trình, bước đi và những chính sách kèm theo để phát triển các doanh nghiệp công nghệ nước nhà.

Công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng nhớ lại, cách đây 3 năm khi nhận nhiệm vụ, ông đã nói đến ý: “Nếu nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phát huy tiềm năng, lợi thế nhất là về công nghệ, Việt Nam sẽ tiến kịp các nước phát triển, tiến cùng thời đại. Rõ ràng hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều rào cản. Điều này cần được nhận thức để từ nhận thức biến thành hành động, tháo gỡ các rào cản”.

Cách đây 1 tuần, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, Thủ tướng cũng đã nói: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục động viên doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn cho phát triển. Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu” với “chí tiến thủ của doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ vô cùng quan trọng, Thủ tướng chỉ rõ, Diễn đàn này nêu khát vọng, tầm nhìn, định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường. 

Cũng trong phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra các giải pháp có tính chất gợi mở đối với sự phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Khẳng định công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, Thủ tướng cho hay, vấn đề lớn đặt ra cho chúng ta hiện nay và trong thời gian tới là làm sao để đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, với trên 50% dân số ở tầng lớp trung lưu. Làm thế nào để có bước tiến dài và mạnh mẽ như vậy? Phải chăng là phải có một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ.

“Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì điều đầu tiên là phải làm chủ công nghệ, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, hoàn thiện quản lý, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế sản xuất những sản phẩm công nghệ chất lượng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhận định Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là mua các dây chuyền công nghệ, việc mua các công nghệ nhất là công nghệ nguồn còn rất ít, Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, Việt Nam cần không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ, tích lũy năng lực công nghệ mà còn cần phải phát minh ra các công nghệ. Đó là con đường duy nhất, tất yếu dẫn đến quốc gia hùng cường, có nền kinh tế phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đủ sức bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi công nghệ Việt Nam vươn ra giải quyết bài toàn toàn cầu.

Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò bản lề trong phát triển kinh tế

Thủ tướng cũng khẳng định, doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để chúng ta thực hiện khát vọng một dân tộc “hoá rồng” vào năm 2045. Với xu thế sôi động không thể đảo ngược của cuộc CMCN 4.0, của nền kinh tế số, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ là xu thế phát triển tất yếu, do đó nền kinh tế dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế. Chính vì vậy, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây cũng chính là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Đưa ra dẫn chứng về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp công nghệ với nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ thông tin, hiện nay thương mại trên nền tảng số của Việt Nam mới đạt khoảng 3,5 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7 GDP và dự báo sẽ đạt 42 tỷ USD vào năm 2030 thông qua việc thúc đẩy công nghệ số, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí. “Các con số này cần phải được tăng cao hơn nữa, cần tăng lên theo cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu thăm Triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn, tiềm năng lớn, hiệu quả kinh tế xã hội mang lại cao của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ đang hoạt động mang lại tổng doanh thu khoảng 100 triệu USD. Mục tiêu sắp tới là chúng ta phải có khoảng 100.000 doanh nghiệp công nghệ, thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới sang doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó đi ra nước ngoài.

“Tiềm năng để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn. Con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, cần cù lao động. Một thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống sẽ tạo ra một quốc gia thông minh. Chúng ta đã có những thành công bước đầu trong khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực trong thời gian qua. Thời gian tới chúng ta cần rất nhiều doanh nghiệp công nghệ”, Thủ tướng nhận định.

Đánh giá CMCN 4.0 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới thay đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tướng cũng cho rằng: Việt Nam cần nhận thức đầy đủ những thách thức to lớn phải đối mặt. Cơ hội đến từ chính sự nỗ lực giải quyết các thách thức, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam trong thời đại số. Từ cách đặt vấn đề đó, chúng ta cần cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.

“Tôi tin tưởng rằng với không ít lợi thế về phát triển CNTT và nguồn lực dân số vàng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu chúng ta nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, có chương trình hành động cụ thể, kịp thời và triển khai thực thi quyết liệt, hiệu quả”, Thủ tướng nói.

Việt Nam cần hành động nhanh trong thời đại số

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam cần vượt qua các rào cản thách thức bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Theo Thủ tướng, với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”, Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức là một khởi đầu quan trọng, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.

“Đây là mong mỏi của tất cả chúng ta, của dân tộc, đất nước muốn chúng ta thực hiện. Vì vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số song song với tiến trình làm chủ thiết kế, tích hợp công nghệ lõi. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thực hành khẩu hiệu hành động “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất””, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, thời gian không chờ đợi nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, Việt Nam cần hành động ngay.

Theo phân tích của Thủ tướng, Việt Nam hiện có lượng người sử dụng Internet cao, xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng, phát triển CNTT... “Sau 30 năm lắp ráp, Việt Nam đã có đủ điều kiện để sáng tạo công nghệ, cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để trở thành doanh nghiệp công nghệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu thăm Triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp

Thủ tướng đồng ý chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo

Một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò quyết định, quan trọng của các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu, doanh nghiệp cần nhận thức đúng về CMCN 4.0. Cùng với đó, cần khuyến khích doanh nghiệp lớn đã thành công thể hiện tinh thần trách nghiệm, đặt sứ mệnh doanh nghiệp gắn liền với sứ mệnh quốc gia. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ đều có khả năng vươn ra và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ, trước hết là các bộ có liên quan cần sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Muốn có doanh nghiệp công nghệ cần tạo ra thị trường. Đầu tiên và then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo. Sau đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận. "Chính phủ sẽ có văn bản giao Bộ GD&DT nghiên cứu đổi mới đào tạo ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp Tiểu học, nâng cao năng tiếp cận và sử dụng CNTT", Thủ tướng cho biết.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm; nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số...