Liên quan vấn đề tình hình dịch ở nhiều nước (ngoài Trung Quốc) có diễn biến phức tạp, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), về nguy cơ đối với Việt Nam.

Hàn Quốc, Nhật Bản có ca mắc, nguy cơ với Việt Nam là luôn có

- Thanh Hóa, Khánh Hòa sắp công bố hết dịch Covid-19. Từ 13/2 đến nay, chúng ta chưa ghi nhận ca mắc. Theo ông, dịch Covid-19 đến khi nào sẽ kết thúc?

- Không thể biết trước. Bởi như đã nói, nguy cơ hiện nay không chỉ đến từ Trung Quốc mà còn từ việc đi lại với các quốc gia khác. Virus này cũng nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ. Nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ nói miền Nam nắng ấm sẽ không bị dịch. Bởi ở trong môi trường điều hòa thì virus vẫn lây như thường. Bản chất của nó là lây qua giọt bắn, nên khả năng lây lan vẫn luôn xảy ra.

- 15/16 ca đã được chữa khỏi, người cuối cùng đã có kết quả âm tính lần 1. Ông đánh gia về tình hình dịch bệnh hiện nay ra sao?

- Chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Ngoài những ca xâm nhập, chúng ta đã ghi nhận các ca lây sang cộng đồng nhưng nhỏ và bệnh nhân mắc tương đối nhẹ. Hiện tại, những ca xâm nhập Việt Nam đã kiểm soát tốt. Điều đó cũng được WHO ghi nhận.

Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới trong những ngày tới. Đây cũng là điều chúng ta đã tính trước. Chúng ta lạc quan nhưng tiếp tục không được chủ quan.

'Viet Nam hy vong khong co them nguoi mac Covid-19 nhung kha kho' hinh anh 1 benh_nhan_Vinh_Phuc_xuat_vien_1.jpg

Hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Vĩnh Phúc được xuất viện chiều 20/2. Ảnh: Phạm Thắng.

- Vậy còn ở phạm vi cả nước thì sao? Liệu còn tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19?

- Điều này không biết được. Chúng ta hy vọng là không có người mắc mới nhưng điều này khá khó. Bởi việc giao thương, đi lại nhiều, trong khi hiện nay, không chỉ Trung Quốc, các nước khác cũng đã ghi nhận ca mắc như Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Singapore,... nên nguy cơ là luôn có. Do đó, ngành y tế xác định phải tăng cường giám sát ở các bệnh viện là vì thế.

Lần đầu cách ly quyết liệt

- Lý do chúng ta thực hiện cách ly đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Việc cách ly được thực hiện ra sao?

- Xã Sơn Lôi là nơi có nhiều ca bệnh mắc Covid-19 nhất, 6/11 ca mắc ở Vĩnh Phúc và 6/16 ca nếu tính trong phạm vi cả nước. Bản chất việc thực hiện cách ly cộng đồng là để hạn chế ra vào, nhằm phát hiện những trường hợp sốt hay có các dấu hiệu để đưa đi cách ly, chứ không phải “ngăn sông cấm chợ” như nhiều người hiểu nhầm.

Thời gian cách ly là 21 ngày. Sau thời gian này, nếu địa phương không có ca mới thì sẽ dừng cách ly. Từ 13/2 đến nay, địa phương này chưa ghi nhận ca mới.

'Viet Nam hy vong khong co them nguoi mac Covid-19 nhung kha kho' hinh anh 2 sonloi.jpg

Người dân xã Sơn Lôi trong vòng cách ly. Ảnh: Phạm Thắng.

- Việc cách ly có ý nghĩa ra sao đối với công tác phòng chống dịch?

- Việc thực hiện cách ly địa phương có nhiều ca bệnh là biện pháp quyết liệt để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, để hạn chế tốt nhất sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Cách ly tại địa phương có những ca nghi ngờ hoặc đang trong thời gian ủ bệnh sẽ hạn chế thấp nhất sự phát tán virus Covid-19, lây cho những người khác.

Xã Sơn Lôi có một số ca bệnh, nếu kiểm soát tốt như hiện nay thì dịch bệnh sẽ không lây lan nữa. Đây là "thời kỳ vàng" để các ca bệnh xâm nhập có thể lây lan sang những người khác, nếu chúng ta không kiểm soát tốt những ca tiếp xúc gần đó thì sẽ lây lan cho những người khác nữa.

- Những ngày này, chỉ cần nghe một ai nói quê Vĩnh Phúc, ăn Tết tại Vĩnh Phúc hay từng đi qua tỉnh này, những người xung quanh đều có cái nhìn ái ngại. Thậm chí, không ít người còn yêu cầu những đối tượng này cần phải cách ly. Có những người trở nên sợ hãi khi phải đi qua tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nghĩ sao về điều này?

- Việc nhìn nhận hành động cách ly xã Sơn Lôi rồi có tư tưởng kỳ thị người dân Vĩnh Phúc là không đúng và không nên, chứng tỏ người đó không hiểu gì về dịch bệnh.

Bạn phải hiểu đường lây của Covid-19, khi có tiếp xúc gần mới lây. Hơn nữa, Vĩnh Phúc nói chung, Sơn Lôi nói riêng có phải là nơi có nhiều nguồn bệnh đâu, có phải khắp cả làng đều mắc đâu.

Người dân Vĩnh Phúc cũng như những người bình thường khác, cũng như người Hà Nội hay bất cứ người dân nào khác trên đất nước này, sao phải kỳ thị họ. Ngay ở Sơn Lôi, người dân vẫn đi ra vào, ăn uống bình thường.

Đối với dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này, nguyên nhân, lây lan của bệnh là do tiếp xúc gần. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đề phòng bằng nhiều biện pháp như rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ...

Trách nhiệm của người nghi nhiễm bệnh là phải tuân thủ cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, nếu cộng đồng kỳ thị người nghi ngờ, người bệnh, người dân vùng có dịch thì sẽ vô tình cản trở công tác phòng, chống dịch, hạn chế công tác tự giác khai báo bệnh.

Kỳ thị người bệnh, kỳ thị vùng miền sẽ làm gia tăng bùng phát dịch mạnh hơn. Vì vậy, cần chung tay chia sẻ cùng với cộng đồng và đây cũng là trách nhiệm của chúng ta. Điều trị, ngăn chặn và cắt nguồn lây chính là biện pháp đề phòng cho chúng ta. Và cuối cùng là tình người, người bệnh cần sự thương yêu, chia sẻ, đoàn kết của những người chung quanh và cả cộng đồng.

- Trước đây, khi đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm khác, Việt Nam đã từng cách ly một địa phương nào chưa?

- Chưa, lần này, chúng ta làm kiên quyết hơn. Sơn Lôi là một ví dụ để thực hiện đối với những địa phương tương tự. Tại vùng cách ly, các ban ngành đều quyết liệt vào cuộc, thứ hai, có tổ đặc biệt hàng ngày đi đo nhiệt độ cho người dân, khử trùng môi trường, giải thích cho người dân hiểu. Đây là cách làm hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.

Sơn Lôi được cách ly nhằm phát hiện những trường hợp ủ bệnh. Nhưng mấy ngày gần đây, chưa ghi nhận thêm ca mới. Theo chúng tôi dự đoán, Sơn Lôi không còn ca bệnh.

Nguyên Bộ trưởng Y tế kể về ký ức chống dịch SARS Khi cả thế giới đang căng mình đối phó với dịch Covid-19, nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến vẫn nhớ mãi những ký ức chống dịch SARS cách đây 17 năm.