Vishipel cho biết, để trang bị kiến thức cần thiết khi đi biển, người đi biển nào cũng cần biết cách sử dụng dịch vụ thông tin liên lạc do Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam cung cấp.

Theo thông tin từ Vishipel cho biết, Việt Nam là quốc gia có vùng biển chủ quyền rộng lớn với ngành khai thác Thủy hải sản phát triển đã tạo điều kiện nâng cao đời sống cho các ngư dân sinh sống ở khu vực ven biển và hải đảo. Với ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, ngư dân đã cải tiến, nâng cấp phương tiện đánh bắt để có thể khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên biển ở những khu vực đánh bắt xa bờ.

Nhằm giúp cho ngư dân hiểu rõ và tuân thủ các quy định về thông tin liên lạc khi đang hoạt động trên vùng biển quốc tế, Vishipel đưa ra một số khuyến nghị cho ngư dân như sau: Trong quá trình khai thác thủy hải sản trên biển, tàu cần luôn giữ thông tin liên lạc thông suốt với đất liền, không được tắt máy thông tin liên lạc, thiết bị giám sát tàu cá. Khi phát hiện tàu cá khác gặp nạn, tàu phải hỗ trợ, ứng cứu đồng thời thông báo ngay cho các tàu khác đang đánh bắt ở khu vực đó và các cơ quan chức năng của Việt Nam biết. Khi phát hiện tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Việc báo cáo, cung cấp và trao đổi thông tin trong mọi trường hợp cần kịp thời, chính xác để giúp các cơ quan chức năng phối hợp xử lý có hiệu quả.

Vishipel khuyến nghị, khi tàu gặp tình huống nguy cấp như: cháy nổ, đâm va, nghiêng lật, tàu bị mất điều khiển thả trôi, tàu bị chìm, tàu có người người rơi xuống biển, cướp biển tấn công, trên tàu có người bị thương, bị ốm cần trợ giúp về y tế,… bất kể ở đâu, vào lúc nào mà tàu không tự xử lý được thì cần gọi ngay đến Đài Thông tin duyên hải trên tần số 7903 kHz để được trợ giúp kịp thời. Đây là tần số trực canh cấp cứu ở chế độ 24/24h, 07 ngày/tuần được quốc gia ấn định với mục đích gọi bắt liên lạc giữa hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam với các tàu cá Việt Nam hoạt động trên biển.

Vishipel cũng khuyến nghị, khi hoạt động trên vùng biển quốc tế nếu gặp sự cố tàu cần liên lạc ngay với Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam cũng trên tần số 7903 kHz hoặc phát tín hiệu cấp cứu bằng các thiết bị thông tin liên lạc sẵn có trên tàu như phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp EPIRB, thiết bị liên lạc vô tuyến tầm xa (ICOM-HF),… các thông tin báo nạn của tàu sẽ được Đài Thông tin duyên hải chuyển đến các cơ quan, đơn vị tìm kiếm cứu nạn gần nhất để triển khai các hoạt động, phương án hỗ trợ thích hợp cho tàu. Các tàu cần thường xuyên giữ liên lạc với Đài Thông tin duyên hải để thông báo tiếp theo về diễn biến sự việc cho đến khi tàu khắc phục xong sự cố, người trên tàu an toàn, tiếp tục hành trình. Lưu ý là tàu gọi cấp cứu không cần đăng ký và hoàn toàn miễn phí.

Vishipel cho biết, để trang bị kiến thức cần thiết khi đi biển, người đi biển nào cũng cần biết cách sử dụng dịch vụ thông tin liên lạc do Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam cung cấp. Để đảm bảo an toàn khi hoạt động trên vùng biển quốc tế, tàu cá cần hiểu rõ những quy định của pháp luật nhằm giảm thiếu sai sót và thường xuyên giữ liên lạc với Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam để được hướng dẫn và trợ giúp khi cần. Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam luôn là người bạn đồng hành, đáng tin cậy của người đi biển trong mỗi chuyến ra khơi.