- Dù đồng tình rằng mỗi nhà mạng sẽ có một chiến lược xây dựng giá cước dịch vụ 4G khác nhau, nhắm đến những đối tượng người dùng khác nhau, nhưng các chuyên gia viễn thông vẫn tin rằng, công thức thành công cuối cùng phải là sự kết hợp giữa dịch vụ tốt và giá thành phù hợp.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào tái khẳng định quan điểm rằng 2016 là thời điểm hoàn toàn thích hợp, chín muồi để Việt Nam triển khai 4G. Nhận định này cũng phù hợp với bản thân mong muốn của các nhà mạng, bởi cả Viettel, VNPT lẫn MobiFone đều đã kiến nghị, đề xuất lên cơ quan quản lý về việc sớm được cấp phép triển khai 4G trong thời gian tới.

{keywords}
Các gói cước phải được xây dựng hợp lý, phù hợp với các phân khúc người dùng mà nhà mạng nhắm đến

"Mọi thứ đều đã sẵn sàng, cả về mặt chính sách lẫn công nghệ. Riêng công nghệ thì cả hạ tầng mạng lẫn các thiết bị đầu cuối đều đã sẵn sàng, chín muồi. Và quan trọng nhất là số người dùng dữ liệu trên mạng 3G của Việt Nam đang tăng rất mạnh. Hiện tại, hơn 1/3 thuê bao di động trong nước đã sử dụng 3G, nên việc triển khai 4G là hội đủ thiên thời địa lợi", ông Nam phân tích.

Mặc dù vậy, một trong những mối bận tâm chính của Bộ TT&TT đối với việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép 3G chính là giá thành thiết bị đầu cuối vẫn còn tương đối cao so với thu nhập của người dùng Việt Nam. Những smartphone hỗ trợ 4G như iPhone, Galaxy S6... có giá thành bằng nhiều tháng lương của một bộ phận người dân. Liên quan đến vấn đề này, vị chuyên gia của Qualcomm cho rằng, các rào cản về giá sẽ sớm được giải quyết bởi xu hướng chung là giá thành các thiết bị hỗ trợ 4G đang liên tục đi xuống. "Hiện tại, số lượng smartphone 4G ở phân khúc bình dân đang xuất hiện ngày một nhiều. Công nghệ 4G đã được đưa vào tất cả các dòng chipset, kể cả chipset phục vụ smartphone giá rẻ như Snapdragon 200. Những thiết bị dùng dòng chipset này có thể đến tay người dùng với giá chỉ khoảng 100 USD mà thôi". Tính đến thời điểm này, đã có tới 470 smartphone dùng Snapdragon 200 và 400 hiện diện trên thị trường, bao gồm cả thị trường Việt Nam. Do đó, câu chuyện giá thành thiết bị đầu cuối không còn là mối lo lớn nữa.

Đánh giá về mức độ sẵn sàng của các nhà mạng trong nước đối với 4G, ông Nam cho biết thời gian qua, nhiều nhà mạng đã tiếp xúc và tham vấn về kỹ thuật với Qualcomm, và ông có thể nhận thấy sự "hào hứng" từ các đối tác này. Có nhiều lý do để giải thích cho sự mặn mà của nhà mạng. Từ kinh nghiệm thế giới, 4G được cho là sẽ đem đến một cơ hội mới cho các nhà mạng, tạo điều kiện cho họ đưa ra những dịch vụ mới, thu hút khách hàng mới và đặc biệt là phát triển công việc kinh doanh, tăng trưởng doanh số. "Tôi không ngạc nhiên nếu các nhà mạng hào hứng trong việc chuẩn bị ra mắt 4G tại Việt Nam. Ở những thị trường phát triển 4G thành công, kinh nghiệm cho thấy 4G luôn tạo ra một cú hích cho cả ngành di động. Cả thiết bị đầu cuối, số lượng người dùng lẫn doanh số của nhà mạng đều tăng trưởng đột biến. Tôi tin rằng Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ".

"Cước 4G không nên quá khác 3G"

{keywords}
Ông Thiều Phương Nam chia sẻ tại cuộc họp báo. 

Một vấn đề được người dùng đặc biệt quan tâm khi triển khai 4G chính là giá cước. Không chỉ quan tâm đến chính sách định giá đối với 4G của nhà mạng, mà nhiều người còn quan tâm đến việc giá cước 3G sẽ thay đổi như thế nào sau khi 4G ra mắt. Liệu nhà mạng có giảm cước 3G để kích cầu 4G hay không, hay sẽ tăng giá cước 3G để có thể định giá cước 4G ở mức tương đối cao (trong mối liên hệ tương quan"?

"Trên thế giới, các gói cước 3G và 4G rất khác nhau, tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của nhà mạng. Nhưng đa số các nhà mạng khi bán dịch vụ data thì bán theo dung lượng chứ không phân biệt data đó là 3G hay 4G.

Cái lợi của nhà mạng là 4G có tốc độ download rất nhanh nên lượng tiêu thụ data của người dùng sẽ tăng vọt. Nếu như trước kia, dùng 3G không xem được Video HD hay những ứng dụng cần data nhiều thì khách hàng chỉ cần mua gói cước dung lượng nhỏ thôi. Nay thì với tốc độ cao của 4G, các gói cước dung lượng nhỏ sẽ hết rất nhanh. Người dùng sẽ phải mua các gói cước lớn hơn và việc này sẽ đem lại nguồn doanh thu mới cho nhà mạng chứ không phải vì nhà mạng bán 4G đắt hơn 3G nên doanh thu tăng", ông Nam phân tích.

Tất nhiên, tốc độ 4G cao hơn mà đòi hỏi giá cước 4G rẻ hơn 3G thì "rất khó". Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng, nhà mạng nên cố gắng để "giá thành trên từng gói dữ liệu không khác nhau nhiều". Hơn nữa, nhà mạng cần hiểu rằng, khi người dùng tiêu thụ lượng data tăng vọt, lợi nhuận nhà mạng sẽ tăng lên, giá thành của 1 GB dữ liệu 4G sẽ thấp hơn 3G. Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group cách đây không lâu, tốc độ chuyển tải dữ liệu của 4G so với 2G tăng tới 12.000 lần còn giá thành thì giảm tới 99%.

"Tất nhiên, mỗi nhà mạng sẽ có một chiến lược xác định gói cước khác nhau nên rất khó để đưa ra lời khuyên chung. Nhà mạng nào tập trung vào các khách hàng cao cấp ở những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội thì giá cước có thể không phải là vấn đề quan trọng lắm. Nhưng ngược lại, đối với các bạn Sinh viên hay những người có thu nhập không cao ở nông thôn thì giá cước lại là cả một vấn đề", ông Nam khuyến nghị. Do đó, chiến lược về giá cước nên dựa vào mô hình kinh doanh của nhà mạng, vào đối tượng khách hàng mà họ nhắm đến. "Nhưng cuối cùng muốn thành công thì dịch vụ phải tốt và giá thành phải phù hợp với phân khúc khách hàng mục tiêu. Nhà mạng cũng cần đa dạng hóa gói cước để đáp ứng nhiều nhu cầu, nhiều đối tượng khách hàng khác nhau".

Trọng Cầm 

Tin liên quan