Ảnh minh họa

Trong nỗ lực nối lại đàm phán với Trung Quốc, cuối tháng 6/2019, Tổng thống Donald Trump thông báo các doanh nghiệp Mỹ được phép bán hàng trở lại cho Huawei. Trước đó, Mỹ đưa Huawei vào danh sách Entity List vì nguy cơ an ninh quốc gia. Do đó, linh kiện và bộ phận do Mỹ sản xuất không được phép bán cho công ty Trung Quốc nếu không có giấy phép đặc biệt.

Nhiều chuyên gia công nghiệp và quan chức tỏ ra bối rối trước chính sách của chính phủ. Phát biểu tại hội thảo thường niên của Bộ Thương mại, ông Ross nhắc lại Huawei vẫn nằm trong danh sách đen, đồng nghĩa giấy phép xin bán hàng có thể bị bác bỏ. Chính sách mới không thay đổi quy mô các hạng mục cần giấy phép. Tuy nhiên, ông cho biết Bộ sẽ cấp giấy phép cho các mặt hàng không đe dọa an ninh quốc gia dựa theo tuyên bố của ông Trump.

Sau khi Huawei dính lệnh cấm, ngành bán dẫn Mỹ đã vận động chính phủ loại trừ các mặt hàng không nhạy cảm mà Huawei có thể mua bán dễ dàng ở nước ngoài và tranh luận lệnh cấm toàn diện sẽ gây hại đến doanh nghiệp Mỹ.

Dù vậy, giới quan sát đánh giá bình luận của ông Ross thiếu rõ ràng. Họ không biết mặt hàng nào được xem là đe dọa nước Mỹ. Theo luật sư thương mại Doug Jacobson, cách duy nhất để xác định là nộp đơn xin giấy phép và xem đơn nào được phê duyệt hay bác bỏ.

Mỹ cáo buộc Huawei đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ Mỹ, vi phạm lệnh trừng phạt với Iran. Mỹ còn thuyết phục đồng minh loại Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G tiếp theo.

Vào tháng 5/2019, ông Trump ký quyết định cấm công ty Mỹ mua thiết bị viễn thông Huawei. Hôm 9/7, ông Ross nói Bộ sẽ công bố quy tắc cuối cùng tạm thời (IFR) vào giữa tháng 10 để thi hành lệnh của Tổng thống. IFR có hiệu lực ngay lập tức dù vẫn phải xin bình luận của công chúng để điều chỉnh quy định về sau.

Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, buộc doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp địa phương để được kinh doanh. Ông Ross cảnh báo khu vực công phải hành động có trách nhiệm và bảo vệ công nghệ. Việc trao đổi bí mật thương mại hay tài sản sở hữu trí tuệ nhạy cảm, mã nguồn để hoạt động tại nước ngoài là sai trái bất kể thị trường đó hấp dẫn tới đâu.

Ông cũng chỉ đích danh Trung Quốc khi nói “Trung Quốc kiên trì theo đuổi công nghệ Mỹ” để hiện đại hóa quân đội.