Mỹ sẽ giúp Nhật Bản đối phó mối đe dọa ngày càng tăng về những vụ tấn công trực tuyến nhằm vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng.

Theo đó, Mỹ sẽ mở rộng chiếc ô phòng vệ mạng của nước này để bao gồm cả Nhật Bản, qua đó giúp đồng minh châu Á đối phó mối đe dọa ngày càng tăng về những vụ tấn công trực tuyến, chẳng hạn như nhằm vào lưới điện của quốc gia này.

{keywords}

“Chúng tôi ghi nhận mức độ tinh vi ngày càng tăng của những đấu thủ mạng hiểm độc, bao gồm những đấu thủ phi nhà nước và được nhà nước bảo trợ”, theo tuyên bố chung của Nhóm công tác chính sách phòng vệ mạng Mỹ-Nhật, vốn được thành lập vào năm 2013.

An ninh mạng là một lĩnh vực then chốt mà ở đó Nhật và Mỹ đang tăng cường mối quan hệ đối tác quân sự theo bộ nguyên tắc chỉ đạo an ninh mới được công bố hồi tháng 4/2015, vốn cũng sẽ tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của hai nước và trao cho Tokyo một vai trò an ninh lớn hơn ở châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ra sức khuếch trương sức mạnh quân sự.

Cả Mỹ lẫn Nhật đều thận trọng với những mối đe dọa trên mạng, bao gồm những vụ tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc hoặc CHDCND Triều Tiên.

Trong khi Mỹ đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng một lực lượng nhằm đối phó và đáp trả các vụ tấn công mạng, thì Nhật - nước tiếp nhận lực lượng quân sự Mỹ lớn nhất tại châu Á - lại đang chậm chạp hơn trong việc tăng cường phòng vệ mạng.

Đơn vị phòng vệ mạng của Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) có khoảng 90 thành viên, so với hơn 6.000 người tại Lầu Năm Góc, một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/5.

Nhật đang cố gắng bắt kịp khi đảo quốc này chuẩn bị đăng cai tổ chức Olympics 2020 ở Tokyo và trong bối cảnh các vụ tấn công mạng đang có chiều hướng gia tăng. Hiện những vụ tấn công nhằm vào các website chính phủ đang được phát hiện cách nhau chỉ vài giây, theo các chuyên gia phòng vệ mạng của Nhật.

Trong tuyên bố ngày 30/5, Bộ Quốc phòng Nhật cam kết “góp phần tham gia” những nỗ lực xử lý những mối đe dọa trực tuyến khác nhau, bao gồm những mối đe dọa nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Nhật và những dịch vụ được SDF và các lực lượng Mỹ sử dụng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, vốn đã gặp người đồng cấp Nhật Gen Nakatani tại hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 30/5, hồi tháng 4 đã công bố một chiến lược quân sự mạng mạnh mẽ hơn với trọng tâm xoáy vào khả năng đáp trả bằng vũ khí trực tuyến. Điều đó giúp củng cố khả năng ngăn chặn sau những vụ tấn công đình đám nhằm vào các công ty bao gồm vụ tấn công nhằm vào hãng phim Sony Pictures hồi năm ngoái mà Washington cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về chiến lược mới của Mỹ, cho rằng nó sẽ làm gia tăng căng thẳng liên quan đến an ninh Internet.

Được biết, Bắc Kinh thường xuyên bị Washington buộc tội tham gia vào những vụ tấn công mạng trên diện rộng, điều mà phía Trung Quốc luôn bác bỏ.

Theo PC World VN