{keywords}
Trung Quốc cũng như Nga đều chưa thể tự chủ bán dẫn. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc là quốc gia cung ứng đồ điện tử lớn nhất của Nga, chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu bán dẫn và hơn một nửa máy tính, điện thoại. Bắc Kinh đã phản đối các biện pháp cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với Nga trước hành động quân sự tại Ukraine. Dù vậy, các quan chức Mỹ mong đợi các hãng như SMIC, Lenovo sẽ tuân theo quy định và hạn chế buôn bán công nghệ nhạy cảm có nguồn gốc Mỹ, đặc biệt có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng của Nga.

Trao đổi với hãng tin Bloomberg, một quan chức Mỹ cho biết, bất kỳ mặt hàng nào có yếu tố đầu vào của Mỹ, bao gồm phần mềm, thiết kế, đều là đối tượng của lệnh cấm, ngay cả khi nó làm ra ở nước ngoài. Những doanh nghiệp cố lách luật sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chặn tiếp cận công nghệ Mỹ, trong khi lãnh đạo có thể bị vào tù cho vi phạm.

Những sản phẩm điện tử tiêu dùng như iPhone, laptop cho cá nhân không bị ảnh hưởng.

Các công ty ngoại quốc đang nhanh chóng rút khỏi Nga, bất chấp ba thập kỷ đầu tư kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Các ông lớn dầu mỏ như BP, Shell, Equinor đều công bố kế hoạch chấm dứt hợp tác tại Nga, còn chính phủ Mỹ hứa hẹn ưu đãi dành cho “những nước áp dụng lệnh cấm xuất khẩu tương tự”.

Theo chuyên gia Mary Lovely của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, 70% nguồn cung chip, máy tính, smartphone của Nga là Trung Quốc. Ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp mà không có ủy quyền quốc tế.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tự chủ bán dẫn nhưng các hãng công nghệ vẫn lệ thuộc vào Mỹ. SMIC tiếp tục sử dụng thiết bị Mỹ, bao gồm Applied Materials ngay cả khi bị Mỹ cho vào danh sách đen năm 2020. Nếu không làm theo lệnh cấm vận của Mỹ, SMIC có thể nhận lệnh cấm nghiêm khắc hơn, không thể mua được giấy phép sửa chữa linh kiện hay thiết bị mới. Thiệt hại của SMIC cũng làm suy yếu tham vọng trong sản xuất chip của Trung Quốc.

Trong khi đó, Xiaomi cũng như phần lớn các nhà sản xuất thiết bị điện tử khác đều dùng chip từ Qualcomm, Qorvo, Skyworks Solutions. Lenovo lại dùng vi xử lý Intel, AMD cho máy tính.

Lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ đối với Nga tương tự những gì Washington đã làm với Huawei năm 2020. Nhìn chung, những gì “tinh túy” nhất của công nghệ thế giới đều có sự đóng góp của Mỹ, từ phần mềm, máy móc, trang thiết bị đến bán dẫn. Ngành công nghiệp chip toàn cầu sẽ lâm nguy chỉ sau một đêm nếu thiếu Mỹ.

Huawei là ví dụ điển hình của việc một công ty bị “tàn phá” ra sao nếu không được tiếp cận nguồn chip quan trọng cho smartphone và hoạt động 5G. Từng là đối thủ đáng gờm của Apple và Samsung, nay bộ phận smartphone của Huawei gần như sụp đổ.

SMIC và các nhà sản xuất chip khác đều đã chứng kiến hậu quả của Huawei khi bị Mỹ xem là nguy cơ an ninh quốc gia. Nó dẫn đến tình thế “tréo ngoe” dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc: Phải xoa dịu các yêu cầu của Mỹ để tiếp tục được sử dụng công nghệ thiết yếu trong khi chính phủ của họ công khai không tán thành các lệnh hạn chế thương mại với Nga.

Du Lam (Theo Bloomberg)

Tin sai lệch về căng thẳng Nga - Ukraine xuất hiện nhiều trên mạng

Tin sai lệch về căng thẳng Nga - Ukraine xuất hiện nhiều trên mạng

Một số trang bắt đầu lợi dụng tính hiếu kỳ của người xem để sản xuất các nội dung sai lệch về giao tranh Nga - Ukraine.