Trong năm 2018, số ca mắc bệnh sởi tại châu Âu tăng kỷ lục, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO cho biết số lượng bệnh nhân sởi đã tăng 30% trong năm qua. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi lây lan là phong trào chống tiêm vaccine tại nhiều nước ở châu Âu và Mỹ.

Mới đây WHO đã liệt kê “lo ngại vaccine” là 1 trong 10 mối nguy về sức khỏe trong năm 2019. Theo một báo cáo tại Anh, có tới gần 50% số phụ huynh có con nhỏ đã đọc được thông tin về chống vaccine, và Facebook là một trong những mạng xã hội được tận dụng để phổ biến phong trào này.

My muon Facebook can quet nhung 'hoi kin' chong vac xin hinh anh 1
Một đoàn người biểu tình chống tiêm vaccine tại Washington, Mỹ. Ảnh: AP.

Các nhóm tuyên truyền chống vaccine, được gọi chung là “anti-vaxxers” hoạt động trong các nhóm kín trên Facebook, và thành viên muốn vào phải trả lời câu hỏi hoặc qua kiểm duyệt. Bằng cách này, các nhóm có thể tùy ý chọn thành viên mình muốn và lan truyền tin giả thoải mái mà không bị phản ứng.

Số thành viên của một nhóm như Stop Mandatory Vaccination (Dừng tiêm vaccine bắt buộc) lên tới 150.000 người. Một số nhóm khác như Vitamin C Against Vaccine Damage thì tuyên truyền là uống Vitamin C liều cao có thể “chữa lành” những tác hại từ vaccine.

Theo Guardian, ngoài những hội chống vaccine thì Facebook còn cho phép các quảng cáo nhắm tới phụ huynh với các thông tin sai sự thật. Stop Mandatory Vaccination từng chạy một quảng cáo với thông tin sai lệch, khiến cho cơ quan quản lý về quảng cáo của Vương quốc Anh cũng phải can thiệp. Ngoài ra Facebook cũng cho phép quảng cáo của nhiều nhóm khác như Vax Truther, Anti-Vaxxer.

My muon Facebook can quet nhung 'hoi kin' chong vac xin hinh anh 2
Không khó để tìm ra những nhóm tuyên truyền chống vaccine trên Facebook. Ảnh: Guardian.

Trước trào lưu này, nhiều chuyên gia y tế lên tiếng yêu cầu Facebook phải có hành động kịp thời. Bà Wendy Sue Swanson, người phát ngôn của Viện Nhi khoa Mỹ cho biết:

“Facebook cần ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người, nhất là khi thông tin giả bị lan truyền. Đây không còn là vấn đề sức khỏe từng cá nhân mà ảnh hưởng tới cả cộng đồng.

Phụ huynh cần được biết những thông tin đúng đắn. Nếu họ nghe được những thông tin sai lệch họ sẽ càng sợ hãi, căng thẳng và có thể không cho con tiêm vaccine, điều này rất nguy hiểm”.

Bà Noni MacDonald, Giáo sư Nhi khoa tại Đại học Dalhousie, Canada đặt ra câu hỏi vì sao Facebook không thể kiểm soát được những thông tin giả về vaccine.

“Các công ty lớn đều không thể lan truyền tin giả, vậy tại sao chúng ta lại để mặc họ”, bà MacDonald cho biết.