Tại cuộc họp báo ngày 8/11, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã công bố cáo trạng đối với Yaroslav Vasinskyi, 22 tuổi người Ukraine và Yevgeniy Polyanin người Nga vì liên quan đến hoạt động của nhóm tin tặc REvil.

{keywords}
Mỹ trừng phạt lãnh đạo nhóm tin tặc REvil, thu về hơn 6 triệu USD tiền chuộc

Trong đó, Vasinskyi đã bị bắt tại Ba Lan vào tháng trước sau khi rời Ukraine và hiện đang phải đối mặt với cáo buộc về vụ tấn công Kaseya đã lây nhiễm ransomware cho hơn 1.000 công ty vào mùa hè này.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, Vasinskyi là một trong những kẻ chủ mưu đằng sau vụ tấn công ransomware REvil và đang phải đối mặt với sự dẫn độ sau khi bị chính quyền Ba Lan bắt giữ vào ngày 8 tháng 10. Mặc dù Polyanin hiện vẫn chưa bị bắt giữ nhưng anh ta cũng bị cáo buộc liên quan đến nhiều vụ tấn công mạng và bị các cơ quan thực thi pháp luật thu giữ 6,1 triệu USD tiền chuộc.

Bản cáo trạng do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố cho biết, Vasinskyi đã tham gia vào băng đảng ransomware REvil kể từ năm 2019, đã thực hiện ít nhất 2.500 cuộc tấn công mạng và kiếm được 2,3 triệu USD tiền chuộc.

Theo DOJ, ngoài các cuộc tấn công rầm rộ vào công ty Kaseya và JBS, REvil phải chịu trách nhiệm về việc phát tán ransomware trên hơn 175.000 máy tính. Nhóm này bị cáo buộc đã thu về ít nhất 200 triệu USD tiền chuộc.

Ông Garland cho biết: “Polyanin đã liên quan đến ít nhất 3.000 cuộc tấn công ransomware. Các cuộc tấn công bằng ransomware của Polyanin đã ảnh hưởng đến nhiều công ty và tổ chức trên khắp nước Mỹ, bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật và các thành phố tự trị trên toàn bang Texas. Polyanin cuối cùng đã tống tiền các nạn nhân của mình khoảng 13 triệu USD”.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) - Christopher Wray cho rằng: “Vụ bắt giữ Yaroslav Vasinskyi, cáo buộc Yevgeniy Polyanin và tịch thu 6,1 triệu USD của anh ta và vụ bắt giữ các tin tặc REvil khác ở Romania là thành công của sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng quốc tế, chính phủ Mỹ và đặc biệt là công ty tư nhân của chúng tôi”.

Cùng với các cáo trạng, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với sàn giao dịch tiền ảo Chatex và mạng lưới hỗ trợ liên quan của nó vì bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính cho các chủ thể ransomware.

Bộ Tài chính Mỹ cũng tiết lộ một khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu USD cho bất kỳ thông tin nào về bất kỳ ai nắm giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia REvil.

Một phần thưởng trị giá 5 triệu USD khác cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc kết án ở bất kỳ quốc gia nào đối với bất kỳ cá nhân nào âm mưu tham gia hoặc cố gắng tham gia vào hoạt động của nhóm tội phạm REvil.

Chuyên gia về ransomware Allan Liska của công ty an ninh mạng Recorded Future của Mỹ cho biết: “Các hành động vừa qua của chính phủ Mỹ đã xóa tan quan điểm cho rằng hành động thực thi pháp luật phần lớn không hiệu quả đối với các nhóm ransomware. Tôi rất vui vì có nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với các sàn giao dịch tiền điện tử được biết đến với hành vi rửa tiền”.

Các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ cũng đã hợp tác với các tổ chức khác trên thế giới như Europol, Eurojust, Interpol …để phá vỡ nhiều nhóm ransomware trong 6 tháng qua. 17 quốc gia đã tham gia vào nỗ lực này và hàng chục người đã bị bắt trên khắp châu Âu có liên quan đến các nhóm ransomware.

Nhóm tin tặc REvil đã đóng cửa cửa hàng lần thứ hai vào tháng trước sau khi cho rằng áp lực từ cơ quan thực thi pháp luật quá lớn khiến chúng không thể tiếp tục hoạt động.

Phan Văn Hòa (theo ZDNet)

Nhóm tin tặc khét tiếng trở lại, thêm một quốc gia công nhận Bitcoin

Nhóm tin tặc khét tiếng trở lại, thêm một quốc gia công nhận Bitcoin

Thêm một quốc gia công nhận Bitcoin; Nhóm tin tặc khét tiếng REvil xuất hiện trở lại; Internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk gây thất vọng;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.