Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 5.900 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, số doanh nghiệp có lãi chiếm tỉ lệ 62%. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa phương hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng cho biết, trong năm 2023, Sở sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác của tỉnh Sóc Trăng (gọi chung là doanh nghiệp) thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí nổi tiếng với sản phẩm gạo ST25.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, truyền thống của tỉnh, các sản phẩm của chương trình OCOP, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước (đặc biệt là sử dụng nguyên liệu trong tỉnh để tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao); kim ngạch xuất khẩu cao; có tiềm năng xuất khẩu lớn sẽ được ưu tiên.

Sở cũng thông báo về số lượng doanh nghiệp, sản phẩm được hỗ trợ. Cụ thể, dự kiến hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Dự kiến hỗ trợ 17 sản phẩm Công bố, áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở; tư vấn, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế; tư vấn, chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương; tự công bố sản phẩm, hàng hoá theo quy định.

Tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến; công cụ cải tiến năng suất cơ bản; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P); thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh,...; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh cho dự kiến 8 doanh nghiệp.

Hỗ trợ 1 doanh nghiệp tư vấn xây dựng, áp dụng, đánh giá chứng nhận, hoặc nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025. Ngoài ra, tư vấn, đào tạo hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện triển khai, áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường cho 3 doanh nghiệp. Hỗ trợ 2 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

Nội dung hỗ trợ được căn cứ theo Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 -2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo TS. Nguyễn Văn Dư, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sóc Trăng chưa đạt hiệu quả cao do quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và đặc biệt là tâm lý ngại thay đổi, sự quan tâm đến đổi mới sáng tạo còn hạn chế.

Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 95% chưa muốn mở rộng quy mô, còn số doanh nghiệp CNTT, hỗ trợ còn ít. Doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn khi tiếp cận dây chuyền, công nghệ tiên tiến. Theo TS, để quá trình đổi mới sáng tạo thành công, cần có tư tưởng mới, nguồn nhân lực, vốn và chính sách hỗ trợ từ bên ngoài. 

Ông đề xuất doanh nghiệp vừa và nhỏ cần lựa chọn những công nghệ phù hợp, lựa chọn giải pháp mang tính thực tiễn cao, lựa chọn đội ngũ nhân sự cùng chí hướng, thấu hiểu hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết với các trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, các trường đại học, viện nghiện cứu và các địa phương trong khu vực.

Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ. Cụ thể, hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100.000.000 đồng/ hợp đồng và không quá 1 hợp đồng/ năm.